Rủi ro, ngân hàng vẫn đua bán lẻ

Rủi ro, ngân hàng vẫn đua bán lẻ

Tín dụng sút giảm, các ngân hàng đang lao vào cuộc đua bán lẻ để bù đắp lợi nhuận. Thế nhưng, lĩnh vực hấp dẫn, dễ mang lại lợi nhuận cao này lại ngốn nhân lực vô cùng lớn, chưa kể nguy cơ gia tăng nợ xấu cũng rất cao.

Ngốn nhân lực như ngân hàng bán lẻ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, dù khó khăn, song từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã phải tuyển dụng hàng trăm nhân viên, đa số là nhân viên kinh doanh bán lẻ.

“Trong bối cảnh không trông mong được gì vào tín dụng sản xuất như hiện nay, đẩy mạnh bán lẻ là giải pháp mà mọi ngân hàng đưa ra. Dĩ nhiên, các ngân hàng vẫn luôn chú trọng sản phẩm cho sản xuất, kinh doanh truyền thống. Tuy vậy, tìm khách vay ngày càng khó. Chưa kể, để cạnh tranh với các ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ phải ‘dìm’ lãi suất cho vay xuống 10 - 11%/năm, khiến chênh lệch lãi suất thực hưởng (sau khi trừ chi phí) chỉ còn 1 - 2%, rất khó bù đắp chi phí. Trong khi đó, phát triển các sản phẩm bán lẻ như cho vay tiêu dùng, cho vay qua thẻ…, thì chênh lệch lãi suất có thể lên tới 5 - 6%”, vị lãnh đạo trên nói.

Rủi ro, ngân hàng vẫn đua bán lẻ ảnh 1

Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khẳng định, đúng là mảng ngân hàng bán lẻ, cho vay tiêu dùng đem lại lợi nhuận cao, song từ trước đến nay, MB không chủ trương “đua” cho vay tiêu dùng. Bởi dù lợi nhuận cao, song phát triển ngân hàng bán lẻ, cho vay tiêu dùng đồng nghĩa với việc cực kỳ tốn nhân lực, chi phí lớn và nguy cơ nợ xấu cao.

Việc ngân hàng hối hả chạy đua bán lẻ cũng là nguyên nhân khiến thị trường nhân sự ngân hàng xáo trộn rất mạnh trong 2 năm gần đây. Song song với việc sa thải hàng ngàn nhân viên, từ đầu năm 2013 đến nay, các ngân hàng cũng liên tục tuyển dụng thêm hàng ngàn nhân viên, chủ yếu là nhân viên kinh doanh, nhân viên tín dụng, phát hành thẻ…

Theo khảo sát của Công ty Towers Watson, tỷ lệ nghỉ việc của ngành ngân hàng năm 2013 khoảng 15%.

 

Nguy cơ co hẹp thị phần

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam , ngân hàng bán lẻ là xu hướng tất yếu của ngân hàng Việt Nam , phù hợp với xu hướng của thế giới. Tiềm năng thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam rất lớn. Dẫu vậy, vì đang ở giai đoạn đầu, nên rủi ro là khó tránh. Ngoài rủi ro về chi phí nhân lực, nợ xấu, các ngân hàng trong nước còn đứng trước nguy cơ bị co hẹp thị phần.

Ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc phụ trách marketing và bán lẻ của OceanBank khẳng định, thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam có dư địa tăng trưởng rất lớn với hơn 90 triệu dân, tỷ lệ sử dụng Internet, điện thoại rất cao. Chưa kể, hiện tỷ lệ sử dụng thẻ ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2%, trong khi tỷ lệ này ở các nước lên tới 50 - 70%.

Để tận dụng cơ hội của thị trường bán lẻ, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, ngân hàng phải dành tỷ lệ nhiều hơn cho nhân viên kinh doanh, đồng thời sử dụng tối đa công nghệ để giảm chi phí nhân viên. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa các sản phẩm bán lẻ và cuối cùng là nghiêm túc thực hiện quy trình quản lý rủi ro. “Phát triển tốt mà rủi ro nhiều đôi khi phí tổn còn nhiều hơn”, ông Toàn thừa nhận.

Được biết, 90% thị phần bán lẻ đang thuộc về các ngân hàng nội do có lợi thế về mạng lưới và kênh phân phối. Tuy nhiên, thị phần bán lẻ của ngân hàng trong nước đang có nguy cơ co hẹp, vì khối ngân hàng nước ngoài cũng đang ra sức tấn công thị phần bán lẻ. 

Nhiều ngân hàng nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered, HSBC, Shinhan Vina… không giấu tham vọng tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo nhận định của NHNN, sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác. Hiện 80 - 90% khách hàng bán lẻ của nhiều ngân hàng ngoại là người Việt Nam .