Rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn lớn

Rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn lớn

(ĐTCK) VN-Index đã trải qua một tuần giao dịch với nhiều chờ đợi, bất an và hy vọng.

Thị trường ngoại hối căng như dây đàn trước và cả sau kỳ họp của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến khối ngoại tiếp tục rút vốn với quy mô lớn. Trong khi đó, việc tái cơ cấu danh mục của ETF có đã tác động mạnh và tiêu cực đến xu hướng thị trường trong phiên cuối tuần.

Trong 4 phiên đầu tuần, dù khối ngoại bán ròng với quy mô lớn, lo ngại Fed tăng lãi suất và đà sụt giảm mạnh của giá dầu, VN-Index vẫn tăng điểm khá ổn định với mức tăng trung bình 5 điểm/phiên trong 3 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng điểm mỏng manh này đã “gẫy” trong phiên cuối tuần trước áp lực bán ra mạnh mẽ của 2 quỹ ETF trong ngày cuối cùng của kỳ cơ cấu.

Giá trị bán ròng của khối ngoại trong phiên Thứ Sáu không quá lớn, chỉ 18 tỷ đồng trên HOSE, nhưng tác động xấu tới thị trường vì các cổ phiếu bán ra chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi việc mua vào các cổ phiếu có vốn hóa trung bình không gây tác động lan tỏa trên thị trường.

Diễn biến tích cực nhất trong tuần qua vẫn là lực cầu ổn định của nhà đầu tư trong nước đã giúp ổn định giá cổ phiếu. Ngay cả trong phiên cuối tuần, khi mà giá trị giao dịch lên đến gần 4.000 tỷ đồng với áp lực bán ra cực mạnh trong phiên đóng cửa, phần lớn các cổ phiếu bị các quỹ ETF bán ra đều có lực cầu trong nước đỡ.

PVD và PVT là hai cổ phiếu hiếm hoi “trắng bảng” bên mua trong đợt cơ cấu lại danh mục của các quỹ này. Với việc hai quỹ ETF đã kết thúc kỳ cơ cấu danh mục trong tuần qua, VN-Index dự kiến sẽ bớt chịu áp lực từ khối ngoại trong thời gian tới.

Rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn lớn ảnh 2

Tỷ giá vẫn là yếu tố đáng lo ngại nhất trong tuần qua dưới áp lực của việc Fed tăng lãi suất. Tỷ giá USD/VND tăng trần ngay từ đầu tuần và có thời điểm giá mua vào của VCB được đẩy lên bằng giá trần, cho thấy căng thẳng tỷ giá đã được đẩy lên một mức mới. Tỷ giá USD/VND quy đổi từ các ngoại tệ chủ chốt khác bị đẩy lên mức 22.800 đồng/USD, cao hơn giá trần hơn 1%.

Sau cuộc họp của Fed, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0%/năm, nhưng tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong phiên cuối tuần, có thời điểm, tỷ giá chuyển đổi hạ xuống dưới 22.600 đồng/USD, nhưng nhanh chóng phục hồi vào sáng Thứ Bảy.

Nhìn chung, thị trường vẫn đang chờ đợi động thái mạnh mẽ hơn của NHNN dù theo hướng điều chỉnh tỷ giá hay áp dụng các biện pháp khác để giải tỏa căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Với tình hình tỷ giá hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất “ngại” giải ngân vì rất khó để mua USD theo giá chính thức khi thoái vốn và khả năng bị lỗ ngay 1 - 2% nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán những ngày cuối năm vẫn chưa có tín hiệu tích cực và ổn định. Mức giá cổ phiếu hiện tại đã khá hấp dẫn. Tuy nhiên, rủi ro biến động giá ngắn hạn vẫn còn lớn khi mà căng thẳng tỷ giá đang ở mức cao và áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn chưa giảm. Nhà đầu tư nên đợi thị trường ngoại hối ổn định, NHNN có định hướng cụ thể về điều hành thị trường năm 2016 và khối ngoại kết thúc bán ròng trước khi trở  lại thị trường.

Tin bài liên quan