Mỗi lần TTCK thế giới sụt giảm mạnh, TTCK Việt Nam lại một phen lao đao.

Mỗi lần TTCK thế giới sụt giảm mạnh, TTCK Việt Nam lại một phen lao đao.

Rủi ro lớn nhất của thị trường là tâm lý… sợ rủi ro

(ĐTCK-online) Suốt mấy ngày vừa qua, tôi đã đọc nhiều bài báo phân tích và đánh giá tác động của khủng hoảng nợ công châu Âu đến Việt Nam. Đa phần các nhận định đều cho rằng, tác động của cuộc khủng hoảng này đến Việt Nam là không lớn, Việt Nam không chịu nhiều tác động trực tiếp… Nhưng, mỗi lần TTCK thế giới giảm mạnh, TTCK Việt Nam lại một phen lao đao. Có vẻ như, điều rủi ro lớn nhất với TTCK Việt Nam lúc này chính là tâm lý sợ rủi ro (nếu có) của các NĐT.

Thống kê các chỉ số của TTCK Việt Nam so sánh với TTCK các nước trong khu vực cho thấy, giá chứng khoán tại Việt Nam đang hấp dẫn hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Điều này có lẽ cũng được minh chứng rõ nét bằng việc NĐT nước ngoài liên tục mua ròng. Nhưng thanh khoản thị trường giai đoạn gần đây sụt giảm mạnh, NĐT trong nước cũng chịu tác động rất lớn từ diễn biến TTCK quốc tế. Chứng khoán Mỹ, châu Âu… liên tục dao động mạnh, một điều không mấy khi có ở các giai đoạn trước và sau mỗi phiên dao động mạnh ấy, TTCK trong nước lại một phiên rúng động. Trên khắp các diễn đàn, NĐT hết lo ngại Mỹ giảm mạnh, lại sợ một vài nước ở châu Âu bị phá sản… Cuối cùng, tâm lý lo ngại này khiến NĐT bán ra ồ ạt, quên đi mất một điều: giá cổ phiếu nên được đánh giá bởi 2 yếu tố: "chất lượng hàng hóa" và quan hệ cung cầu.

Đầu tuần qua, trong một cuộc nói chuyện với mấy anh bạn làm cho các quỹ, tôi được nghe một câu phát biểu hết sức bất ngờ của một người khi phản bác lại quan điểm, cần chứng minh giá cổ phiếu đang ở đâu so với giá "hợp lý" là: "NĐT cá nhân không quan tâm đâu là giá trị thực, họ chỉ mua cái gì mà họ cho rằng, nó có thể sinh lời trong một vài tuần". Trong khi, giao dịch trên TTCK chủ yếu thuộc về nhóm này. Nhưng, không chỉ có NĐT cá nhân mới bị chịu tác động tâm lý, ngay cả các NĐT tổ chức cũng liên tục đưa ra những nhận định có phần… phụ thuộc vào "Tây". Gần đây nhất, tôi có đọc báo cáo phân tích thị trường của một CTCK, trong đó công ty này nhận định khả năng VN-Index… thủng 480 điểm do chịu tác động xấu từ diễn biến TTCK thế giới và khuyên NĐT nên bán ra. Rõ ràng, trong bối cảnh tất cả các NĐT đều sợ rủi ro thì khó mà TTCK có thể tăng được. Tôi cho rằng, khi các yếu tố cơ bản chưa có gì thay đổi thì rủi ro lớn nhất của thị trường lúc này chính là tâm lý sợ rủi ro. Giá như có một CTCK hay một đơn vị độc lập nào đó có thể làm thống kê nghiên cứu các yếu tố tác động thực sự đến TTCK Việt Nam lúc này thì thật là tốt. Tôi nghĩ rằng, khi số đông NĐT của thị trường có cái nhìn dài hơi hơn một chút, có tâm lý vững vàng hơn thì chắc chắn, TTCK trong nước sẽ ổn định và diễn biến tăng giảm phù hợp với thay đổi của các yếu tố vĩ mô thay vì chịu tác động bởi TTCK thế giới.

Phiên giao dịch sáng qua (8/6), TTCK Việt Nam đã tạm thời đi riêng đường so với thế giới, nhưng không hiểu, diễn biến ấy kéo dài được bao lâu? Nếu tình trạng cứ phụ thuộc vào mấy chỉ số chứng khoán thế giới như hiện nay, thì có lẽ, những NĐT mới chắc không dám tham gia thị trường, bởi họ không thể dùng kiến thức cơ bản của mình để định giá cổ phiếu, mà phải lựa chọn… thức đêm cùng chứng khoán thế giới?