Ý thức tuân thủ pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp là rất quan trọng

Ý thức tuân thủ pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp là rất quan trọng

Rủi ro giám đốc phải bồi thường cho công ty

(ĐTCK) Trong doanh nghiệp, việc cổ đông và ban lãnh đạo có xung đột là điều không mấy lạ, nhưng để cổ đông phải khởi kiện đòi tổng giám đốc bồi thường như tại CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) lại rất hiếm. Thông qua vụ việc này, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh) chia sẻ về ranh giới an toàn, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp. 

Thưa luật sư, ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhìn từ vụ việc xảy ra tại STT thời gian qua?

Từ năm 2005, Luật Doanh nghiệp đã đưa vào các quy định buộc người quản lý phải có trách nhiệm cẩn trọng khi điều hành doanh nghiệp, tránh gây ra những thiệt hại cho công ty. Cổ đông cũng được quyền khởi kiện yêu cầu người quản lý bồi thường. Tuy nhiên, rất hiếm khi cổ đông thực hiện điều này, dù có bất bình với ban lãnh đạo công ty.

Có nhiều nguyên nhân để giải thích điều này. Về phía cổ đông, họ không khởi kiện có thể là do thiệt hại không đáng kể, trong khi việc kiện tụng lại tốn kém, mất nhiều thời gian... Cũng không loại trừ trường hợp thiệt hại đã được cân nhắc, tính toán từ trước, hoặc vì mục ích chung cần ổn định nội bộ công ty, tránh ảnh hưởng tới giá
cổ phiếu...

Một lý do khác đó là nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về cổ đông khởi kiện và điều này không hề dễ dàng. Khi khởi kiện, tòa án sẽ yêu cầu bên khởi kiện phải cung cấp tài liệu làm căn cứ để khởi kiện. Thông thường, các cổ đông không tham gia quản lý, điều hành công ty chỉ được tiếp cận thông tin qua các kênh truyền thông, các báo cáo định kỳ, hoặc qua họp đại hội đồng cổ đông bất thường…, nên việc thu thập chứng cứ là rất khó.

Trong các trường hợp đặc biệt, các cổ đông có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với HĐQT, ban giám đốc, hoặc tùy từng bộ phận theo điều lệ quy định và theo Luật Doanh nghiệp nói chung. Nhưng ngay cả vậy, cổ đông vẫn có thể gặp phải rào cản từ phía doanh nghiệp, với nhiều lý do khác nhau để không phải cung cấp tài liệu cho cổ đông.

Thiếu chứng cứ thì cổ đông khó có thể chứng minh hành vi vi phạm và thiệt hại để yêu cầu bồi thường. Đó là chưa kể, trong quá trình xét xử, tòa án thường yêu cầu bổ sung thêm các tài liệu, chứng cứ, khiến cổ đông càng thêm khó.

Nhìn vào các trường hợp cổ đông đòi giám đốc công ty bồi thường, ông có lưu ý gì cho những người quản lý doanh nghiệp?

Qua các vụ kiện tranh chấp nội bộ, tranh chấp liên quan đến hoạt động của người đại diện theo pháp luật có thể thấy, họ buộc phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định rõ trong điều lệ công ty, cũng như các văn bản pháp luật đối với mọi hoạt động, lĩnh vực có liên quan tới nội bộ công ty và bên ngoài.

 Luật sư Vũ Ngọc Chi

Nói cách khác, người quản lý doanh nghiệp phải không ngừng học hỏi, tự trang bị kiến thức để có thể đáp ứng và đảm bảo sự an toàn cho chính mình trước các rủi ro về kinh tế và pháp luật.

Ngoài kiến thức, họ cũng phải trang bị các kỹ năng về cuộc sống, cách ứng xử, ngoại giao một cách phù hợp đối với  vị trí người đại diện và điều hành doanh nghiệp. Tóm lại, người lãnh đạo doanh nghiệp phải hội tụ rất nhiều kỹ năng, khả năng vượt trội thì mới làm cho pháp nhân tồn tại và phát triển .

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là ý thức tuân thủ pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp. Có thể môi trường kinh doanh còn chưa thông thoáng, quy định pháp luật còn rối rắm, mâu thuẫn, song doanh nghiệp luôn phải thượng tôn pháp luật, bởi các hành vi vi phạm, hành đồng “lách luật” đều sẽ để lại dấu vết và rủi ro. Đó là vấn đề mà người điều hành doanh nghiệp phải cân nhắc, lựa chọn.

Một thiệt hại mà cổ đông dễ dàng chứng minh đó là vi phạm dẫn đến bị xử phạt hành chính. Nhưng nếu khoản phạt hành chính nào cũng quy trách nhiệm bồi thường cho giám đốc công ty liệu có hợp lý?

Đúng là khi doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, chắc hẳn là có sự thiếu thận trọng trong điều hành doanh nghiệp, chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Việc đưa ra một quyết định trong điều hành doanh nghiệp trước hết phụ thuộc vào điều lệ công ty và quy định của pháp luật, đi liền với đó là trách nhiệm và khả năng chịu hậu quả.

Việc giám đốc phải chịu trách nhiệm cá nhân, hay pháp nhân chịu cần phải được giải trình và làm rõ, trên cơ sở đó thì sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân. Tùy từng vi phạm cụ thể mà quy trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại thuộc về ai hay bộ phận nào.

Dù vậy, trong bất kỳ trường hợp nào thì giám đốc đều bị liên đới trách nhiệm, bởi họ là người đại diện trước pháp luật và là người quyết định các công việc theo thẩm quyền quy định trong Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty.

Có một điểm đáng lưu ý về vấn đề thẩm quyền. Đó là nếu biện giải rằng đó là hành động vì lợi ích công ty có đủ để cổ đông chấp nhận tình trạng vượt thẩm quyền?

Nguyên tắc quản trị công ty cổ phần quy định khá rõ thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, HĐQT và Tổng giám đốc/Giám đốc công ty. Nhưng thực tế, tình trạng vi phạm thẩm quyền vẫn xảy ra, với những động cơ, mục đích khác nhau.

Tôi thấy rằng, việc vượt quyền thường vì lợi ích cá nhân, hơn là vì công ty. Nếu vì lợi ích công ty thì không nhất thiết phải làm trái thẩm quyền, mọi lý lẽ đưa ra sẽ rất khó thuyết phục. Có thể việc vượt thẩm quyền mang lại lợi ích nào đó, nhưng nếu các cổ đông không kiểm soát mà lại cổ súy thì có thể mang lại hậu quả khôn lường .

Có một thực tế là khi tiếp quản cương vị giám đốc, người này thường phải tiếp nhận các thương vụ, hợp đồng, hợp tác của công ty đã và đang “chạy”, và có thể sẽ phải  đón nhận cả những rủi ro đem lại. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là khi tiếp nhận cương vị giám đốc của pháp nhân thường là tiếp nhận luôn nhiều thương vụ đang được thực hiện và những rủi ro pháp lý không thể kiểm soát. Vì thế, khi tiếp nhận, người đại diện buộc phải rà soát lại toàn bộ mọi việc có liên quan đang còn dang dở và phải tiếp tục thực hiện.

Việc này đòi hỏi phải có sự cương quyết nhất định, bởi nếu nhận thấy hoặc không nhận thức rõ pháp luật, họ có thể bị thiệt hại về kinh tế, thậm chí vướng vòng lao lý. Trong trường hợp này thì chẳng có gì có thể biện minh, bởi lẽ họ đã có quyền cân nhắc, đã có quyền quyết định việc dừng lại, hoặc không tiếp tục các vụ việc dang dở có rủi ro pháp lý.

Khi họ quyết định tiếp tục làm thì rõ ràng họ đã chấp nhận dấn thân, mà bỏ qua quyền lựa chọn của mình. Trước pháp luật, việc này có thể hiểu rằng, đó là quyết định của người tiếp nhận. Vì thế, việc phải chịu trách nhiệm là điều đương nhiên. 

Tin bài liên quan