Lãi vay 0%/năm
Hiện nay, có không ít ngân hàng đưa ra chương trình áp dụng lãi suất 0%/năm trong vay vốn ở giai đoạn đầu cho khách hàng cá nhân. Đơn cử, Viet Capital Bank cho vay mua căn hộ Mega Village lãi suất 0%/năm; HDBank áp dụng lãi suất 0%/năm trong giai đoạn đầu cho khách hàng mua căn hộ dự án Ehome 5 - Block A tại Tân Thuận Đông, Quận 7, TP. HCM.
Đáng chú ý, một số công ty tài chính liên kết với nhiều điểm bán (điện thoại di động, xe máy, hàng điện máy) đang triển khai chương trình vay mua hàng trả góp lãi suất 0%/năm. Trong thời gian từ nay đến ngày 30/11, FE Credit tổ chức nhiều hoạt động khuyến mãi như vay trả góp với lãi suất 0%/năm, trả trước 0 đồng…
Nhiều chương trình ưu đãi lãi vay được ngân hàng tung ra, nhưng lãi suất cho vay thực không hẳn rẻ như công bố và không ít khách hàng vay tiêu dùng trả góp trong thời gian qua phải điêu đứng vì lãi suất.
Bên cạnh các gói ưu đãi lãi suất 0%/năm, nhiều nhà băng còn tích cực triển khai quảng bá các các gói tín dụng với lãi suất cạnh tranh. OCB có gói tín dụng “kích cầu - lãi thấp”, với hạn mức 2.500 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà, căn hộ, vay xây dựng, sửa chữa nhà… lãi suất cố định 3 tháng đầu tối thiểu 6,5%/năm, cố định 6 tháng đầu tối thiểu 7%/năm, cố định 12 tháng đầu tối thiểu 8%/năm.
VIB áp dụng lãi suất 6,99%/năm vay mua ôtô trong 6 tháng đầu, hạn mức cho vay 100% hoàn tiền khi thanh toán bằng thẻ tín dụng. Cá nhân, doanh nghiệp cũng có thể vay tới 80% giá trị xe ô tô với lãi suất 6,39%/năm từ sản phẩm “Cho vay mua ô tô dành cho khách hàng doanh nghiệp” của Vietinbank…
Eximbank ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay, theo đó, các doanh nghiệp này nếu có nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn được Eximbank tài trợ vốn, lãi vay từ 7,5%/năm trong thời hạn không quá 12 tháng. Các doanh nghiệp có quy mô vừa được Eximbank cho vay lãi suất ngắn hạn từ 7,3%/năm để bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, điều kiện nhà băng này đưa ra là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ theo xếp hạng tín dụng nội bộ của Eximbank và có phương án kinh doanh khả thi.
Giải pháp nào thúc đẩy cho vay tiêu dùng?
|
Tín dụng cải thiện trong những tháng đầu năm và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian từ nay đến hết tết Nguyên Đán, cũng như sang năm mới, khiến các nhà băng đã ồ ạt xin nới “room” tăng trưởng dư nợ để có thêm dư địa cho vay. Trong đó, các nhà băng mạnh tay “bơm” vốn cho vay nhỏ lẻ, phân tán. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay có thể đạt 17%.
Liệu có thực rẻ?
Khi được chào mời mức lãi suất 0%/năm, không ít người đã đến ngân hàng gõ cửa vay vốn mua nhà, ô tô. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu kỹ mới biết rằng mức lãi suất này chỉ được các nhà băng ưu đãi trong tháng đầu tiên, sau đó sẽ tăng cao trong kỳ hạn tiếp theo để bù đắp chi phí huy động vốn.
Đáng chú ý, chi phí huy động đầu vào tăng dần theo lãi suất tiết kiệm gần đây, trong khi lãi suất đầu ra khó tăng, nhưng ngân hàng lại liên tục có các chương trình ưu đãi. Một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cho rằng, do trần lãi suất huy động đầu vào hiện duy trì ở mức 5,5%/năm và kỳ hạn tiền gửi trên dưới 1 năm vẫn được các nhà băng áp dụng phổ biến ở 6-7,2%/năm nên việc áp dụng lãi vay 0%/năm chỉ là chiêu thức của các ngân hàng nhằm thu hút sự quan tâm của người cần vốn.
Nhiều chương trình ưu đãi lãi vay được ngân hàng tung ra, nhưng lãi suất cho vay thực không hẳn rẻ như công bố và không ít khách hàng vay tiêu dùng trả góp trong thời gian qua phải điêu đứng vì lãi suất. Vì vậy, lời khuyên được đưa ra từ TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị và Kinh doanh Trường Đại học ngân hàng TP. HCM, khách hàng chỉ nên vay vốn khi có nhu cầu thực sự về vốn vay, không nên thấy ưu đãi lãi suất vay là bị hấp dẫn ngay.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, ngân hàng, khách hàng nên đọc kỹ hợp đồng và xem xét lãi suất trước khi quyết định vay.
Theo các chuyên gia, các đơn vị cho vay phải có cách để khách hàng nắm kỹ được nội dung hợp đồng. Ngoài việc làm rõ, làm kỹ, bản thân các ngân hàng, công ty tài chính phải công khai lãi suất của mình trong từng giai đoạn, từ đó người đi vay có thể đọc ngắn gọn và quyết định được ngay.
Thực tế, trong thời gian qua, một số ngân hàng, công ty tài chính ưu đãi lãi suất cho vay trong giai đoạn đầu giải ngân 7-8%/năm, nhưng sau 2-3 tháng tăng lên 12-13%/năm, thậm chí 40-50%/năm cho cá nhân. Với doanh nghiệp, lãi suất ưu đãi 6-7%/năm được các ngân hàng chào mời nhưng chỉ lựa chọn những khách hàng có “sức khỏe” tốt, trong khi các đối tượng này không có nhu cầu sử dụng vốn vay. Điều này cũng được lãnh đạo Tập đoàn Vissan cho hay, thường vào mùa cuối năm, các ngân hàng “chào” lãi suất cạnh tranh nhưng Công ty luôn tính toán kỹ để hạn chế chi phí hoạt động.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mà NHNN trên địa bàn cùng Sở công thương TP. HCM triển khai hơn 2 năm nay thường đẩy mạnh vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp dịp cuối năm. Tuy nhiên, nguồn vốn giá rẻ này cũng chỉ dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất ưu đãi tối đa 7%/năm, theo quy định trần của NHNN cho vay ngắn hạn. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này phải qua giai đoạn sàng lọc của Sở Công thương TP. HCM mới được vay.
Vì vậy, những khách hàng cần vốn, nhưng không thể đáp ứng được một cách đầy đủ điều kiện của đơn vị cung ứng vốn, buộc phải chịu lãi suất cao. Hiện lãi suất cho vay vốn ngắn hạn được ngân hàng nhỏ áp dụng ở mức 8-9%/năm và 10-13%/năm trung, dài hạn. Đối với nhà băng lớn, lãi suất cho vay có phần cạnh tranh hơn, song cũng không thấp hơn nhiều so với mức trên.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, đối với vốn trung, dài hạn, lãi suất cần được xem xét giảm thêm trong thời gian tới mới khuyến khích được doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và khách hàng cá nhân vay mua nhà.