Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ kỳ vọng vào gói kich thích kinh tế của ECB - Ảnh: AFP

Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ kỳ vọng vào gói kich thích kinh tế của ECB - Ảnh: AFP

Rủi ro gia tăng, giới đầu tư hy vọng vào các gói kích cầu

(ĐTCK) Dự báo Trung Quốc sẽ có quý tăng trưởng chậm nhất trong 24 năm trong quý IV khiến giới đầu tư càng thêm lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chứng khoán Trung Quốc có phiên lao dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất 7 năm khi giới đầu tư kỳ vọng ECB sẽ tung gói QE trị giá 600 tỷ EUR.

Trong khi chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch, thì chứng khoán châu Âu lại tiếp tục duy trì đà tăng và lên cao nhất 7 năm trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ triển vọng tích cực từ các ngân hàng Italia, sự hồi phục của chứng khoán Thụy Sỹ sau khi lao dốc cuối tuần trước do tác động của việc bỏ trần tỷ giá CHF/EUR.

Ngoài ra, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế vào cuộc họp giữa tuần này. Theo thăm dò, giới phân tích dự báo, ECB sẽ tung ra gói kích thích trị giá 600 tỷ EUR. Mặc dù vậy, gói kích thích này cũng khó đưa lạm phát của khu vực về với đúng mục tiêu của ECB, mà cần phải có gói 1.000 tỷ EUR, thậm chí là lớn hơn.

Kết thúc phiên 19/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 35,26 điểm (+0,54%), lên 6.585,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 74,58 (+0,73%), lên 10.242,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,31 điểm (+0,35%), lên 4.394,93 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ được công bố cuối tuần trước khiến đồng yên yếu và qua đó giúp chứng khoán Nhật Bản tăng khá trong phiên đầu tuần, thì chứng khoán Hồng Kông, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên lao dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong phiên đầu tuần, chỉ số Shanghai Composite mất tới 7,7% khi nhiều dự báo cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng 7,2% trong quý IV/2014, mức tăng trưởng chậm nhất trong 24 năm.

Sự lao dốc này còn do nhà đầu tư lo ngại hoạt động siết hoạt động margin để hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường sau khi TTCK nước này nổi sóng vào cuối năm 2014 với kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục có chính sách nới lỏng tiền tệ. Phiên lao dốc khiến cho TTCK Thượng Hải “bốc hơi” 315 tỷ USD.

Kết thúc phiên 19/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 150,13 điểm (+0,89%), lên 17.014,29  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 365,03 điểm (-1,51%), xuống 23.738,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 260,14 điểm (-7,70%), xuống 3.116,35 điểm.

Giá vàng không nhiều biến động trong phiên mà thị trường Mỹ nghỉ giao dịch. Tuy nhiên, theo giới phân tích, giá vàng sẽ bị tác động với những thông tin về tăng trưởng của Trung Quốc, cũng như động thái của ECB. Theo đánh giá của CMC Markets, giá vàng năm nay sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn của những thông tin đến từ châu Âu hơn là Mỹ.

"Căng thẳng chính trị, tài chính hay kinh tế gia tăng trong khu vực đồng euro có thể buộc ECB phải quyết định đưa ra gói kích thích kinh tế để giữ tất cả mọi thứ lại với nhau, trong đó có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho vàng trong năm nay", Colin Cieszynsky, Giám đốc Chiến lược thị trường của CMC Markets cho biết và  lưu ý rằng, sự gia tăng gần đây của giá vàng cho thấy rằng, ngày càng có nhiều người tìm tới các kênh đầu tư an toàn.

"Rủi ro chính trị và cắt giảm xếp hạng tín dụng ở châu Âu, kết hợp với sự phục hồi của vàng cho thấy một sự công nhận ngày càng tăng rằng, rủi ro đã bắt đầu tăng trở lại," ông nói, và thêm rằng, vàng và bạc có thể tiếp tục cao hơn. "Trong khi dầu thô đã bị áp lực vào cuối năm 2014, vàng và bạc được cho là đã chạm đáy và có thể sẵn sàng để tiếp tục phục hồi trong năm 2015". Tuy nhiên, mặt khác, Cieszynsky cũng chỉ ra rằng, dựa trên dữ liệu lịch sử, năm 2015 có thể được coi là một năm tích cực cho thị trường tài chính.

Kết thúc phiên 19/1, giá vàng giao ngay giảm 3,1 USD (-0,24%), xuống 1.277,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai trên sàn Comex vẫn đứng ở 1.276,9 USD/ounce do thị trường Mỹ nghỉ giao dịch.

Giá dầu sau khi hồi phục nhẹ trong phiên châu Á, đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên giao dịch châu Âu.

Kết thúc phiên 19/1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,2 USD/thùng (-2,47%), xuống 47,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,32 USD (-2,77%), xuống 46,37 USD/thùng.

Tin bài liên quan