Rủi ro doanh nghiệp chậm trả khi cho vay qua Validus

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo phản ánh của một nhà đầu tư qua nền tảng cho vay ngang hàng Validus, gần đây xuất hiện một số thông báo trì hoãn trả nợ của doanh nghiệp do tình hình khó khăn.

Muốn bớt rủi ro phải chấp nhận bớt lãi

Validus đang là cái tên khá nổi bật trong số các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang hoạt động tại Việt Nam. Trên website Validus.vn, Công ty tự giới thiệu về mình: “Là công ty Fintech đạt nhiều giải thưởng thành lập từ năm 2015, Validus hiện là nền tảng vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lớn nhất tại Singapore và đang ngày càng phát triển rộng hơn trong khu vực Đông Nam Á”.

Thông tin trên website Validus.

Thông tin trên website Validus.

Tại Singapore, Validus Capital được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore. Tuy nhiên, trên website của Công ty chưa công bố thông tin được cấp phép bởi cơ quan nào tại Việt Nam.

Cũng theo thông tin tại website của Validus, nền tảng vay vốn này đã trở thành cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, giúp giải ngân 43.420 tỷ đồng tại tất cả các thị trường đang hoạt động, 90% số doanh nghiệp quay lại vay nhiều lần. Để tham gia cho vay qua Validus, nhà đầu tư chỉ cần có căn cước công dân và có tài khoản VND tại các ngân hàng ở Việt Nam. Số tiền tối thiểu để bắt đầu đầu tư là 150 triệu đồng.

Tương tự các ứng dụng P2P Lending khác, quy trình cho vay qua Validus khá đơn giản: Nhà đầu tư tạo tài khoản trên nền tảng Validus, trong vòng 24h sẽ được xác nhận thành công qua email, sau đó chuyển tiền vào tài khoản Validus. Chỉ cần có tiền trong tài khoản, nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư trực tiếp theo từng khoản vay. Thời hạn cho vay tối thiểu 30 ngày và thay đổi tuỳ theo nhu cầu tài chính của từng doanh nghiệp.

Một số sản phẩm được Validus giới thiệu tới nhà đầu tư.

Một số sản phẩm được Validus giới thiệu tới nhà đầu tư.

Theo Validus, tùy thuộc vào sản phẩm đầu tư, tỷ suất lợi nhuận ròng trung bình nhà đầu tư đạt được sẽ từ 12%/năm trở lên.

Validus hiện cung cấp cho nhà đầu tư một số sản phẩm cho vay doanh nghiệp, bao gồm tài trợ chuỗi cung ứng, tài trợ hoá đơn, tài trợ vốn lưu động và tài trợ chuỗi phân phối.

Ví dụ, với sản phẩm cho vay tài trợ hoá đơn, một doanh nghiệp vừa thực hiện một đơn hàng trị giá 1 tỷ đồng có thể sử dụng hoá đơn để vay vốn qua Validus. Validus sẽ kết nối các nhà đầu tư cá nhân (có thể cho vay trọn gói hoặc chia tách thành các phần nhỏ) và giải ngân cho doanh nghiệp vay 80% giá trị hoá đơn, đồng nghĩa doanh nghiệp có thể vay tới 800 triệu đồng. Khi khách hàng của doanh nghiệp thanh toán đơn hàng (1 tỷ đồng), khoản tiền này sẽ được chuyển cho Validus. Phía

Validus sẽ trừ nợ gốc, lãi suất, phí và trả phần còn lại cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chi trả vốn và lãi cho nhà đầu tư.

“Chúng tôi hiện thực hóa khả năng tiếp cận vốn 100% tín chấp cho doanh nghiệp, không cần thế chấp và nhận vốn nhanh chỉ trong 48 giờ. Doanh nghiệp vay khi cần (dựa trên hóa đơn và trên đơn đặt hàng) và trả lãi suất trên thời gian mà doanh nghiệp vay. So với ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, quy trình đăng ký khoản vay ở Validus có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến và được duyệt vay trong 48 giờ hay ít hơn”, Validus cho biết.

Một nhà đầu tư trên Validus cho biết, dù xác định tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng vì mức lãi suất hấp dẫn, cao gấp 2-3 lần so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng và cũng muốn thử nghiệm hình thức đầu tư mới nên anh đã tham gia cho vay qua nền tảng tài chính này.

Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư này chỉ cho các đối tác vay vốn được Validus đảm bảo như Bách Hoá Xanh, Pharmacity, Long Châu Pharma… Tuy nhiên, với chế độ tự chọn khoản vay thì khá tốn thời gian canh được khoản vay ưng ý và có thể “chậm chân” so với các nhà đầu tư khác.

Theo nhà đầu tư này, các khoản vay cho tới nay vẫn đang được thanh toán đúng hạn. Dù vậy, lãi suất thực thu không quá cao như mong đợi, bởi việc lựa chọn chỉ cho vay nhóm đối tượng được đánh giá là an toàn hơn trên Validus.

Rủi ro vẫn rình rập

Trên website của mình, Validus cho rằng: “Khi đầu tư cùng chúng tôi, nhà đầu tư có được lãi suất cao, ít biến động và hầu như không bị tác động bởi các diễn biến của thị trường, bởi vì các khoản vay này thực chất là các khoản nợ cố định mà doanh nghiệp phải trả”.

Theo website của Validus, đối tượng vay vốn qua Validus thường là các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để vay từ ngân hàng truyền thống hoặc muốn rút ngắn thời gian chờ đợi khoản vay.

Theo website của Validus, đối tượng vay vốn qua Validus thường là các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để vay từ ngân hàng truyền thống hoặc muốn rút ngắn thời gian chờ đợi khoản vay.

Điều kiện Validus công bố bao gồm: Doanh nghiệp lớn và nhỏ của Việt Nam, có ít nhất 3 năm vận hành, đang kinh doanh sinh lợi, có chuỗi cung ứng địa phương.

Trong khi đó, với sản phẩm vay trên hoá đơn, Validus đưa ra thông tin: Để đủ điều kiện vay trên hóa đơn với Validus, phải là doanh nghiệp đã đăng ký tại Việt Nam, có mã số thuế doanh nghiệp và tốt nhất là có tối thiểu 2 năm hoạt động liên tục tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định các yếu tố kể trên như thế nào, tiêu chí thẩm định và giám sát ra sao không được Validus công bố.

Thực tế, rủi ro doanh nghiệp chậm thanh toán, không có khả năng thanh toán là hiện hữu, nhất là khi môi trường kinh doanh đang có nhiều biến động khó lường. Các doanh nghiệp nhỏ vay kinh doanh là đối tượng không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, phải chấp nhận mức lãi suất vay cao để trả cho nhà đầu tư thì buộc phải có tỷ suất lợi nhuận kinh doanh lớn để bù đắp chi phí. Áp lực lãi vay với nhóm này vì thế không hề nhỏ, dẫn tới rủi ro không có khả năng thanh toán cho nhà đầu tư.

Thực tế, các nhà đầu tư cho vay qua Validus cũng xác định sẽ phải chấp nhận rủi ro, với 4 lo lắng chính: pháp lý của doanh nghiệp, câu chuyện giải quyết tranh chấp nếu phát sinh; tỷ lệ nợ xấu của Validus, tác động trực tiếp tới khả năng hoạt động của Công ty; khả năng thẩm định, quản lý chất lượng các khoản vay và khả năng thu hồi nợ của Validus.

Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ, Validus sẽ sử dụng nguồn tài chính nào để chi trả cho nhà đầu tư?

Một nhà đầu tư khác cho biết, trong một thời gian, các khoản cho vay qua Validus được thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện các thông báo trì hoãn trả nợ của doanh nghiệp do tình hình khó khăn. Trước hiện trạng này, lo lắng với số tiền đầu tư của mình, nhà đầu tư đã rút tiền khỏi Validus.

Tin bài liên quan