Góc nhìn của nhà đầu tư quốc tế
Tại buổi đối thoại “The Hanoi Dialogue - Đối thoại Hà Nội” do Công ty Chứng khoánK Maybank Kim Eng phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đồng tổ chức mới đây, nhiều quỹ đầu tư quốc tế lớn là thành viên của Hiệp hội Các tổ chức giao dịch chứng khoán châu Á (Asian TraderForum - ATF, với tổng tài sản quản lý lên tới hơn 3.000 tỷ USD) như Franklin Templeton Investments, HSBC Global Asset Management, Fidelity, T. Rowe Price Hong Kong, First State Investments, J.P Morgan Asset Management…, cùng đại diện các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam như PXP Vietnam Asset Management, Dragon Capital, KIMC, Mirae Asset, VinCapital... đã đưa ra một số khuyến nghị để UBCK cùng các cơ quan chức năng tháo gỡ, tạo động lực cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia nhiều hơn và sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Jeffrey Goh, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng, buổi đối thoại Hà Nội được tổ chức dựa theo nhu cầu thực tế đến từ các nhà đầu tư và khách hàng của Maybank Kim Eng. Họ đến từ nhiều thị trường như Mỹ, Hồng Kông, Singapore… nhằm hiểu thêm về thị trường Việt Nam trước khi đưa ra các quyết định đầu tư trong thời gian tới.
Hai kiến nghị nổi bật được các quỹ đưa ra là vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và mô hình chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt – NVDR). Tại Việt Nam, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN được quyền nới lên mức tối đa 100% trong các ngành nghề không có điều kiện, nhưng trên thực tế việc thực hiện còn gặp nhiều trở ngại.
Đối với vấn đề NVDR, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK chia sẻ, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từng có một đề án nghiên cứu khá công phu, nhưng kể từ khi Nghị định 60 có hiệu lực, cho phép NĐTNN, chương trình NVDR có phần chững lại. Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng thực tế, câu chuyện NVDR một lần nữa lại được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và trở thành điểm nhà quản lý Việt Nam cần tính đến.
Thực tế, Nghị định 60 mở không gian sở hữu đến 100% vốn cho các doanh nghiệp, thế nhưng chỉ cho doanh nghiệp hoạt đông trong một số ngành nghề, còn một số ngành nghề có điều kiện thì vẫn có giới hạn. Chẳng hạn, ngân hàng, giới hạn vẫn là 30%, một số ngành nghề khác giới hạn 49% và có một số ngành nghề đặc biệt cấm NĐTNN tham gia vì vấn đề an ninh quốc phòng. Cùng với đó, kể từ khi có Nghị định 60, số doanh nghiệp niêm yết hưởng ứng việc nới room khá hạn chế. Trên sàn có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, nhưng số doanh nghiệp quyết định thực hiện các thủ tục pháp lý để đi đến việc nới room chỉ mới khoảng 20.
Với NĐTNN, thông điệp chính sách của Việt Nam là cởi mở, nhưng trong thực tế thực thi họ lại gặp khó vì những vấn đề mang tính nội tại của doanh nghiệp, của thị trường. Chẳng hạn, dù doanh nghiệp thuộc diện được mở room đến 100%, nhưng doanh nghiệp lại không thực hiện, khiến nhà đầu tư ngoại không mua được. Hoặc doanh nghiệp có thực hiện nhưng chỉ thực hiện với một tỷ lệ hạn chế (nới lên 60 - 70%...) cũng khiến nhà đầu tư ngoại khó hiểu và khó áp dụng trong quá trình đầu tư. Đây là những lý do thực tế được các bên bàn thảo để đi đến quan điểm, ý tưởng phát triển sản phẩm NVDR là cần thiết trên TTCK Việt Nam.
UBCK sẽ khởi động lại Đề án nghiên cứu tính khả thi NVDR sau khi giải quyết một số vấn đề kỹ thuật mô hình sản phẩm này
Đáp lại mong mỏi của NĐTNN, Chủ tịch UBCK chia sẻ, cơ quan này sẽ khởi động lại Đề án nghiên cứu tính khả thi của NVDR, sau khi giải quyết một số vấn đề kỹ thuật của mô hình này, chẳng hạn vai trò của Sở GDCK và cách Sở GDCK sẽ xử lý việc phát hành NVDR như thế nào.
Theo ông George Molina, Giám đốc kinh doanh thị trường mới nổi tại Quỹ đầu tư Franklin Templeton, qua nhiều cuộc đối thoại giống như “The Hanoi Dialogue” đã được tổ chức quanh châu Á, bao gồm tại Singapore, Ấn Độ hay Trung Quốc, ông hy vọng, những kiến nghị nêu lên sẽ sớm được cải thiện, theo chuẩn tốt nhất của quốc tế để họ có thể đến đầu tư.
“Là một quỹ đầu tư sớm đầu tư vào Việt Nam từ 2 thập kỷ trước, chúng tôi cũng như nhiều nhà đầu tư khác muốn Việt Nam cải thiện tính thanh khoản của thị trường để có thể rót nhiều tiền để đầu tư từ các quỹ của chúng tôi,” ông Molina nhấn mạnh. “Chúng tôi đồng thời muốn các bạn cải thiện vấn đề quản trị doanh nghiệp bởi nhiều khách hàng của chúng tôi, bao gồm các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia hay các khách hàng cá nhân luôn đặt câu hỏi: Rủi ro đầu tư vào Việt Nam là gì?”.
Ông Monila cũng đưa ra một đề xuất là thay vì cố gắng giải quyết tất cả các vấn đề được đề cập trong buổi đối thoại Hà Nội, Việt Nam nên có một những chương trình tham vấn để các quỹ có thể đối thoại với cả nhà đầu tư trong nước và NĐTNN - những chủ thể có thể có tiếng nói hay đưa ra các đề xuất giúp cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. “Ngoài 28 quỹ thành viên của ATF, còn nhiều quỹ và các nhà đầu tư khác trên thế giới muốn có tiếng nói để cùng giúp Việt Nam mở cửa cho các NĐTNN.”
Cần mở thêm cánh cửa đón vốn ngoại và nâng cấp quản trị công ty
Để nâng cao năng lực thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam, việc mở rộng cửa cho dòng vốn ngoại thông qua các chính sách hỗ trợ cởi mở cũng như chuẩn hóa và hoàn thiện các quy định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lên sàn giao dịch chứng khoán là thực sự cần thiết.
Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), dòng vốn ngoại đều có những lợi ích và rủi ro đi kèm nên một câu hỏi thách thức đặt ra cho các nhà quản lý thị trường là làm sao thu hút được lợi ích của dòng vốn ngoại với càng ít rủi ro càng tốt.
Lấy chủ đề nâng hạng thị trường Việt Nam từ ‘mới nổi’ lên ‘cận biên’ trên MSCI mà Việt Nam đã và đang theo đuổi trong nhiều năm là một ví dụ, ông Mac Cana nhấn mạnh, nếu Việt Nam không xem xét mở room sở hữu nước ngoài và giảm số lượng các lĩnh vực bị hạn chế sở hữu nước ngoài để cải thiện việc tiếp cận thị trường cho các NĐTNN thì đấy sẽ tiếp tục là rào cản để thị trường Việt Nam được nâng hạng.
Nếu không bỏ hoặc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các NĐTNN sẽ không có chỗ để bơm tiền vào tại nhiều công ty và ngân hàng đã kín room ngoại. Cụ thể, 8 trong số các cổ phiếu VN30 đã kín room ngoại, hay 9 trong số 16 ngân hàng niêm yết không còn chỗ cho nhà đầu tư ngoại. Nội dung này được các nhà đầu tư nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Chuyên đề thị trường vốn (ViEF) trong tháng 8/2018.
Đại diện HSC đề xuất việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết như một trong những cách hiệu quả nhất để thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, với những lợi ích đã được chứng minh ở các nước láng giềng như Thái Lan. Một số ưu điểm của NVDR bao gồm giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia và kiểm soát quyền biểu quyết qua đó cho phép người mua nước ngoài có thể mua nhiều cổ phần như họ mong muốn.
Một kiến nghị khác được nêu ra là cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc và đưa ra quy định cụ thể cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây sẽ là một cú huých giúp thu hút NĐTNN tham gia sâu hơn và rộng hơn và thị trường chứng khoán Việt Nam. “Chúng tôi ngóng trông các công ty FDI lên sàn và điều này cũng sẽ ràng buộc họ với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai lâu dài,” ông Mac Cana nói.
Trên nền một thị trường có quy mô vốn hóa 180 tỷ USD, Việt Nam được đánh giá có sức hấp dẫn các dòng vốn, nhưng để biến sự hấp dẫn đó thành hiện thực rót vốn vào doanh nghiệp, vào TTCK Việt Nam thì cần tiếp tục thực thi các nỗ lực, đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư ngoại. NVDR và nâng chất quản trị công ty là 2 điểm trọng yếu trong các kiến nghị.