Rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh những vấn đề cũ có một nỗi lo mới, đó là trước áp lực huy động vốn tăng nhanh, rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng.
Dự báo đến cuối năm 2021 nợ nước ngoài quốc gia khoảng 3.297.000 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ của Duy Linh).

Dự báo đến cuối năm 2021 nợ nước ngoài quốc gia khoảng 3.297.000 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ của Duy Linh).

Trước áp lực huy động vốn tăng nhanh, rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng, Chính phủ báo cáo Quốc hội một trong những vấn đề cần quan tâm của nợ công.

Gửi Quốc hội báo cáo về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã thực hiện huy động 298.758 tỷ đồng, đã trả nợ của 289.328 tỷ đồng, khoảng 73,3% kế hoạch cả năm.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỷ đồng (92,8% kế hoạch).

Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 3.708.000 tỷ đồng, bằng 43,7% GDP., nợ Chính phủ khoảng 3.351.000 tỷ đồng, bằng 39,5% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24,8%, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 3.297.000 tỷ đồng, bằng 38,8% GDP. Trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) khoảng 5,8%.

Nợ tự vay tự trả dự báo tăng mạnh

Theo báo cáo, hạn mức rút vốn ròng tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trung dài hạn năm 2021 là 6.350 triệu USD, tốc độ tăng dư nợ ngắn hạn từ 18-20%/năm so với dư nợ đến cuối năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả dự báo tăng mạnh, theo đó mức rút vốn ròng trung, dài hạn cả năm 2021 ở mức 6.346 triệu USD, dự kiến tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 25%/năm, có khả năng vượt hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguyên nhân chính của việc các khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh tăng mạnh trong năm 2021, theo Bộ trưởng là xuất phát từ nhu cầu vay nước ngoài của doanh nghiệp gia tăng nhằm đáp ứng nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phù hợp với chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và hỗ trợ nhập khẩu hàng hóa dịch vụ tăng cao trong bối cảnh điều kiện lãi suất toàn cầu giảm mạnh.

Các doanh nghiệp giãn tiến độ trả nợ vay nước ngoài sang các năm tiếp theo do khó khăn tài chính vì dịch bệnh làm số trả nợ giảm dẫn đến số rút vốn ròng tăng hơn mức dự báo.

Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh vay nước ngoài để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh được giãn nợ theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Một nguyên nhân nữa là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan vào sự phát triển của thị trường Việt Nam thể hiện qua nhu cầu mua trái phiếu quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam phát hành từ đầu năm đến nay tăng cao.

Dù vậy, tính chung lại, Bộ trưởng cho biết nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2021 dự kiến ở mức khoảng 38,8% GDP, đảm bảo mục tiêu trần nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm không quá 50% GDP theo mức Quốc hội phê duyệt. Quy mô vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả chiếm khoảng 23,9% GDP; nợ nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh khoảng 14,9% GDP.

Báo cáo cũng đưa ra dự báo chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2021 (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức 5,8%, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại trong quý IV/2021

Lo rủi ro đảo nợ

Như mọi năm, báo cáo năm nay cũng có mục "những vấn đề đặt ra" trong vay, trả nợ công. Phần này, bên cạnh những vấn đề cũ có một nỗi lo mới, đó là trước áp lực huy động vốn tăng nhanh, rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng.

Theo Bộ trưởng, trường hợp nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ vượt quá khả năng hấp thu vốn của thị trường trong nước, để đảm bảo đủ nguồn huy động của Chính phủ có thể cần phải huy động thêm các nguồn vay trong nước có kỳ hạn ngắn hơn so với giai đoạn 2016-2020. Bao gồm tăng vay từ nguồn ngân quỹ Nhà nước hoặc phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn 2-3 năm, theo đó các chỉ tiêu về nghĩa vụ trả nợ có khả năng tăng cao (do các khoản vay này sẽ đáo hạn ngay trong giai đoạn 2022-2025).

Việc huy động vốn vay với kỳ hạn ngắn cần được kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh rủi ro đảo nợ liên tục và đảm bảo chỉ tiêu kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 9-11 năm cũng như chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% so với tổng thu NSNN được Quốc hội phê duyệt, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Nỗi lo tiếp theo được nêu tại mục này là chi phí vay trong nước hiện tại đang ở mức phù hợp, tuy nhiên do tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng gia tăng lạm phát do tiềm ẩn nhiều rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất có khả năng làm tăng mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ, dẫn đến tăng chi phí huy động vốn của Chính phủ.

Đối với nợ nước ngoài, tiềm ẩn rủi ro chi phí vay kém thuận lợi trong bối cảnh khả năng tiếp cận các nguồn vốn ODA giai đoạn tới sẽ giảm và có thể phải sử dụng các công cụ nợ với điều kiện tiệm cận/theo thị trường. Ngoài ra, việc đàm phán, ký kết và giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài với tỷ lệ thấp như trong thời gian vừa qua do tác động từ đại dịch Covid-19, các vướng mắc về cơ chế chính sách, chất lượng chuẩn bị các dự án đầu tư công và khác biệt giữa thủ tục trong nước và nước ngoài sẽ đặt gánh nặng lên nguồn huy động chủ yếu là vay trong nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội.

Tin bài liên quan