Các thị trường tín dụng giờ đang bị thổi quá lên bởi tâm lý “lợi suất bằng mọi giá”. Khi điều này xảy ra, khẩu vị - đang ngày càng bừa bãi của nhà đầu tư - đối với rủi ro tín dụng dẫn tới sự sụt giảm đáng kể trong phần bù rủi ro, đặc biệt với các chứng khoán bị định giá thấp. Câu chuyện tiến triển thành các giao dịch sôi động, tạo cơ sở để giá ngày càng bị thổi lên cao quá giá trị thực, mặc dù cuối cùng xu hướng này sẽ đảo chiều. Và thay vì là tín hiệu báo động, sự điều chỉnh của thị trường lại được coi là cơ hội mua vào.
Các nhà đầu tư khao khát lợi nhuận của ngày hôm nay bị thuyết phục bởi hai nhân tố: nền kinh tế toàn cầu từ chỗ nhìn chung ổn định chuyển sang cải thiện nhẹ, và cam kết của các ngân hàng trung ương về hạn chế sự biến động lãi suất. Nhưng khi nhà đầu tư tìm mọi cách để đạt được muc tiêu lợi nhuận, các quyết định đầu tư của họ ngày càng bị dẫn dắt bởi giá cả tương đối của trái phiếu (chênh lệch giá) chứ không phải giá trị (lợi suất).
Chênh lệch giá bị thu hẹp được lý giải bởi cách tiếp cận quá lạc quan với cả rủi ro vỡ nợ và biến động thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đánh giá thấp rủi ro thanh khoản (như chi phí sau cùng của việc cơ cấu lại danh mục nếu tình hình thay đổi).
Tất cả những điều này giúp giải thích một vài diễn biến đáng chú ý trên các thị trường trái phiếu trong những tuần gần đây - từ việc phát hành thêm 4 tỷ USD trái phiếu 5 năm ở mức lợi suất chỉ thấp hơn 5% của Hy Lạp, cho đến việc lợi suất trái phiếu chính phủ Italia xuống thấp kỷ lục.
Hình mẫu Venezuela
Trong một môi trường đầu tư như vậy, các nhà đầu tư cũng có xu hướng đặt quá nhiều sự chú ý vào một lời khuyên muôn thuở là… “hãy bắt đáy”. Giá giảm được xem như một cơ hội để tăng cường nắm giữ trái phiếu, đặc biệt ở những thị trường mà chứng khoán dễ bị tác động bởi tin đồn - thứ chẳng liên quan gì đến giá trị tín nhiệm của người đi vay - chẳng hạn như trái phiếu ở các thị trường mới nổi.
Nằm trong nhóm các tài sản dễ bị tác động về mặt kỹ thuật hơn, trái phiếu thị trường mới nổi đưa ra một mức lợi suất cao. Và với việc dễ bị tác động bởi rất nhiều tin đồn chính trị và xã hội trong nước, một bộ phận trong số các trái phiếu này cũng dễ trở thành đối tượng của các quyết định đầu tư chiến thuật và chiến lược lẫn lộn.
Trong nhiều năm qua, Venezuela là một hình mẫu ở khía cạnh này. Các nhà đầu tư hiểu biết đã bỏ qua tư tưởng dân túy bài Tây của cựu tổng thống Hugo Chávez để chú trọng vào doanh thu từ dầu lửa ổn định và mức dự trữ ngoại hối tương đối dư dả của nước này. Hơn nữa, với việc là một mắt xích trong chuỗi cung năng lượng toàn cầu, các nhà đầu tư đã đúng khi chỉ gắn một xác suất thấp cho khả năng vỡ nợ của Venezuela, không phải bởi không có khả năng trả nợ, mà bởi không sẵn sàng làm việc đó.
Gần đây hơn, Nga được xem như một ứng viên hấp dẫn của hoạt động mua bắt đáy. Với khoảng 475 tỷ USD, dự trữ quốc tế của Nga cao hơn nhiều lần số nợ nước ngoài của nước này. Doanh thu hàng tháng từ việc bán dầu cung cấp cho Nga một sự uyển chuyển trong quản lý thanh khoản. Và, giống như Venezuela, việc tham gia vào chuỗi cung năng lượng toàn cầu cho phép Nga có thể trì hoãn việc thanh toán mà không bị coi là… xù nợ.
Chu kỳ khủng hoảng
Với cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn biến khôn lường, các nhà đầu tư quốc tế được cung cấp một cơ hội rộng mở để săn mua giá rẻ các trái phiếu Nga. Và chiến lược này đã phát huy hiệu quả, khi mức chênh giá ngày càng được thu hẹp sau khi mở rộng trước đó như một phản ứng với các diễn biến địa chính trị.
Nhưng rủi ro cơ bản trong các giao dịch trái phiếu Nga này đang trở nên hoàn toàn khác biệt với các giao dịch ở Venezuela. Trong khi mức chênh giá bị thu hẹp không có liên quan trực tiếp đến việc giảm sự sẵn sàng hay khả năng trả nợ của Nga, nó lại là một phần của quá trình đưa nước này đến gần hơn bao giờ hết với rủi ro khủng hoảng kinh tế và tài chính với nguyên nhân xuất phát từ bên ngoài.
Nếu Nga càng bị coi là can thiệp vào miền Đông Ukraine, thì càng có khả năng châu Âu và Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt. Và các biện pháp trừng phạt đó càng liên quan đến hai lĩnh vực đặc biệt - năng lượng và tài chính - thì chi phí sẽ càng lớn cho Nga khi đi vay và xác suất nước này lâm vào khủng hoảng kinh tế, tài chính và thanh toán càng lớn.
Các nhà đầu tư sắp tới có thể vẫn áp dụng chiến thuật bắt dao rơi nhưng chỉ nên… đánh nhanh rút nhanh, nhất là khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang dịu đi trông thấy.