Bản đồ tuyến đường Vành đai 4

Bản đồ tuyến đường Vành đai 4

Rục rịch đón siêu dự án đường Vành đai 4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội chính thức được chấp thuận chủ trương triển khai sau hơn 10 năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết được kỳ vọng sẽ nâng tầm thị trường bất động sản Thủ đô nói riêng và vùng phụ cận nói chung.

Tầm nhìn từ tuyến đường 6 tỷ USD

Được phê duyệt vào tháng 7/2011, tuyến đường Vành đai 4 có chiều dài 98 km, là một trong những tuyến đường cao tốc vành đai huyết mạch với điểm đầu tuyến tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) và điểm cuối tuyến tại cao tốc Nội Bài - Hạ Long (thuộc địa phận xã Nam Sơn, Bắc Ninh).

Đi qua địa phận của 3 địa phương Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh với khu vực Hà Nội chiếm khoảng 65% độ dài, lâu nay, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 được xem là một trong những động lực phát triển kinh tế của Thủ đô và được nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo Thành phố đặc biệt chú trọng nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khi tuyến đường Vành đai 3 đã quá tải.

Theo số liệu khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, năng lực khai thác của tuyến đường Vành đai 3 chỉ đáp ứng khoảng 2.000 xe/giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, tuyến đường này thường phải “cõng” tới 5.000-6.000 xe/giờ và đặc biệt, vào mỗi kỳ nghỉ lễ lớn trong năm, tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với những ai chọn hướng di chuyển qua con đường này để đi về các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh hay Hà Nam.

“Vành đai 3 là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất, nhưng nếu gặp ùn tắc phải mất 2-3 tiếng mới thông, trường hợp có tai nạn trên đường vào giờ cao điểm có khi phải chờ thêm hàng giờ, chi phí xăng xe và thời gian lại thành ra nhiều hơn”, anh Đinh Hoàng Khải, lái xe hàng tuyến Hà Nội - Hải Dương ngao ngán nói khi nhắc tới hành trình 2-3 chuyến mỗi tuần đi trên con đường này.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải), tất cả các trục giao thông, các đường quốc lộ kết nối với khu vực xung quanh Hà Nội hiện đều phải đi qua đường Vành đai 3, trong khi khu vực xung quanh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh khiến tuyến đường này nằm gọn trong khu dân cư, chức năng không còn là vành đai của Thủ đô. Để phân lưu phương tiện, giảm tải cho tuyến đường Vành đai 3, hơn chục năm trước, cơ quan chức năng đã nghiên cứu phương án đầu tư một tuyến đường mới chạy song hành, đi xuyên qua nhiều tỉnh, thành từ Hà Nội qua Hưng Yên sang tới Bắc Ninh (đường Vành đai 4).

Cụ thể, năm 2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1287 phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường liên vùng này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ngoài Hà Nội khởi động được một số đoạn tuyến qua địa bàn bằng hình thức BT (nhưng chỉ sau thời gian ngắn cũng phải dừng lại do cơ chế, chính sách thay đổi), các đoạn tuyến còn lại qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên vẫn “án binh bất động” bởi thiếu nguồn lực đầu tư.

Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường và hơn 8 tháng sau, dự án có ngã rẽ mới quan trọng khi vào cuối tuần qua, lãnh đạo 5 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã ký Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư theo phương án các địa phương “chung lưng đấu cật” cùng thực hiện tuyến đường liên vùng này.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tuyến Vành đai 4 có vai trò rất quan trọng, giúp kết nối các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo tiền đề phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường nói riêng, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Trong cuộc họp hồi tháng 6/2021, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố nêu trên đều cho rằng, dự án đường Vành đai 4 sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4, tạo sức hút giãn mật độ dân cư khu vực trung tâm đô thị; phát triển chuỗi 5 đô thị vệ sinh gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên, kết nối chùm đô thị TP. Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp vùng Thủ đô.

Là một người từng có nhiều đề xuất mở rộng hạ tầng giao thông Hà Nội với tuyến đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hà Nội luôn luôn đóng vai trò trung tâm nên hệ thống đường vành đai đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối giao thông và việc xây dựng đường Vành đai 4 là vấn đề thực sự cấp thiết khi các tuyến đường kết nối khác đều đang quá tải.

“Cũng giống như các đường vành đai 1, 2 hay 3, đường Vành đai 4 sẽ có lợi thế riêng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Hà Nội”, ông Võ nhấn mạnh.

Chờ cơ chế đặc thù

Là tuyến đường có quy mô và vốn đầu tư thuộc loại “khủng” nhất Thủ đô hiện nay được phê duyệt, nhiều thành viên thị trường kỳ vọng, các dự án bất động sản xung quanh đường Vành đai 4 sẽ khởi sắc hơn. Thực tế, từ hơn 10 năm trước, khi thông tin về tuyến đường bắt đầu xuất hiện, nhà đất xung quanh khu vực đường Vành đai 4 như Xuân Mai, Miếu Môn, Quốc Oai, Chúc Sơn, Phụng Châu, Thụy Hương, Mê Linh… đã trở nên sốt nóng từ đó đến nay.

Ghi nhận thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhờ các tuyến đường giao thông thuận lợi hơn, nhiều người dân Thủ đô có điều kiện kinh tế cũng mở hầu bao đầu tư nhiều loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Năm 2020, thị trường chứng kiến dòng người tìm về những khu vực xa trung tâm như Lương Sơn và Kỳ Sơn thuộc Hòa Bình săn mua đất. Trong đó, dòng tiền có xu hướng tìm đến những lô đất diện tích lớn để phát triển nhà vườn hoặc các khu homestay, đón làn sóng nghỉ dưỡng ven đô trong tương lai như Legacy Hill, Ivory Coast…

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cengroup cho rằng, bất động sản và hạ tầng luôn liên hệ mật thiết với nhau, giá trị bất động sản có thể bị đóng băng, nhưng cũng có thể tăng mạnh nhờ hạ tầng. Với việc các tuyến đường giao thông được mở rộng, người dân sống ở ngoại thành đi vào trung tâm Hà Nội không mất quá nhiều thời gian, thậm chí tương đương so với người sống ở khu vực nội đô nhưng các tuyến đường xung quanh chật chội, ùn tắc.

Còn ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land đánh giá, bên cạnh thiết lập đô thị mới, hạ tầng cũng là yếu tố thúc đẩy phát triển bất động sản công nghiệp và thêm đường vành đai cũng đồng nghĩa có thể xuất hiện thêm nhiều khu công nghiệp mới, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, ông Giang cũng đưa ra lưu ý về tiến độ triển khai khi Chính phủ mới chấp thuận về mặt chủ trương và chưa chính thức thông qua các phương án triển khai cụ thể tuyến đường này.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, trước đây đã có 4 dự án được nhà đầu tư đề xuất triển khai theo phương thức BOT và BT, nhưng do chính sách thay đổi nên không đủ điều kiện triển khai. Do đó, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo quy mô mặt cắt của từng đoạn tuyến qua các địa phương nơi tuyến đường đi qua.

Trong đó, về phía Hà Nội, ngoài việc nghiên cứu theo quy hoạch chi tiết tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần nghiên cứu thêm phương án Quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao với quy mô 4-6 làn xe, thay cho việc đi đường bằng hiện nay.

Về kinh phí, qua tính toán sơ bộ, để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4 (tổng chiều dài 98 km), phần kinh phí đầu tư xây dựng theo phương án cao tốc đi đường bằng vào khoảng 105.000 tỷ đồng, còn phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến vào khoảng 135.000 tỷ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng); phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 m vào khoảng 25.000 tỷ đồng (trong đó Hà Nội khoảng 16.000 tỷ đồng, Hưng Yên khoảng 3.500 tỷ đồng, Bắc Ninh khoảng 5.500 tỷ đồng).

Tin bài liên quan