Rũ bỏ sợ hãi, giới đầu tư mạnh tay gom hàng

Rũ bỏ sợ hãi, giới đầu tư mạnh tay gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một tuần bán tháo mạnh, Phố Wall khởi đầu tuần mới với phiên giao dịch đầy hứng khởi ngày thứ Hai (1/2).

Đầu tuần, thị trường tập trung theo dõi các cuộc đàm phán về gói cứu trợ Covid-19 mới nhất tại Mỹ. Cuối tuần qua, nhóm 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gửi cho Tổng thống Mỹ Joe Biden một bức thư thúc giục ông Biden xem xét thu hẹp quy mô gói viện trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà phía Đảng Dân chủ đề xuất.

Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ gặp 10 thượng nghị sĩ Cộng hòa này để thảo luận về vấn đề trên, ngay cả khi các nghị sĩ Đảng Dân chủ đã chuẩn bị sẵn một nghị quyết có thể giúp Đảng Dân chủ đơn phương hành động mà không cần sự đồng ý của Đảng Cộng hòa.

Chỉ số biến động CBOE, thước đo sợ hãi của Phố Wall, ghi nhận giảm trong phiên đêm qua. Tuần trước, chỉ số này đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng, thúc đẩy bởi đà tăng nóng của cổ phiếu GameStop, AMC Entertainment Holdings và những các cổ phiếu có tỷ lệ bán khống cao khác trong cuộc đấu một nhóm các nhà đầu tư cá nhân tập hợp trên diễn đàn Reddit và các quỹ đầu cơ ở Phố Wall.

Phiên đêm qua, cổ phiếu Gamestop đã “bốc hơi” 30,8 % sau khi tăng 400% vào tuần trước. Cổ phiếu AMC, vọt 277% trong tuần trước, khép phiên gần như đi ngang.

Về dữ liệu kinh tế, nghiên cứu mới nhất do Viên quản lý cung ứng (ISM) mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ chậm lại một chút trong tháng 1. Chỉ số hoạt động sản xuất quốc gia của ISM giảm xuống mức 58,7 trong tháng 1 từ mức 60,5 trong tháng 12/2020.

Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất tại Mỹ do IHS Markit nghiên cứu đã tăng lên 59,2 vào tháng 1 từ mức 57,1 trong tháng 12. Con số này cao hơn một chút so với ước tính sơ bộ và kỳ vọng của thị trường là 59,1.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Dow Jones tăng 228,29 điểm (+0,76%), lên 30.211,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 59,62 điểm (+1,61%), lên 3.773,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 332,70 điểm (+2,55%), lên 13.403,39 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm vào thứ Hai, phục hồi từ mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10 nhờ đà tăng của cổ phiếu các công ty khai thác, hưởng lội từ cơn sốt bạc.

Bạc đã trở thành tâm điểm mới nhất của phong trào “điên cuồng” chống lại các quỹ lớn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Giá bạc bắt đầu tăng vọt khi trên diễn đàn Reddit bắt đầu có các thông tin khuyến khích giới đầu tư mua bạc và đẩy giá kim loại quý này lên cao. Giá bạc đã tăng lên mức đỉnh trong 8 năm vào thứ Hai.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Đức sụt giảm nhiều hơn dự kiến ​​trong tháng 12 do thắt chặt các biện pháp phong toả trong đại dịch Covid-19 đã bóp nghẹt chi tiêu của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 58,96 điểm (+0,92%), lên 6.466,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 189,15 điểm (+1,41%), lên 13.622,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 62,47 điểm (+1,16%), lên 5.461,68 điểm.

Sắc xanh cũng bao trùm chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục sau hai phiên giảm liên tiếp khi lợi nhuận khả quan của các nhà sản xuất chip nâng đỡ tâm lý thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc tăng bất chấp hoạt động sản xuất suy giảm trong tháng 1/2021. Số liệu mới cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số đo lường thể trạng khu vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 1/2021 ở mức 51,3, giảm 0,6 điểm so với tháng 12/2020.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh nhờ cổ phiếu công nghệ cao và tiêu dùng tăng khi các nhà đầu tư Đại lục tiếp tục đổ tiền thông qua chương trình kết nối chứng khoán.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh nhờ khi dữ liệu xuất khẩu tháng đầu năm 2021 đầy lạc quan.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 427,66 điểm (+1,55%), lên 28.091,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,21 điểm (+0,64%), lên 3.505,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 609,15 điểm (+2,15%), lên 28.892,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 80,32 điểm (+2,70%), lên 3.056,53 điểm.

Bất chấp đồng USD đột ngột tăng giá, thị trường chứng khoán toàn cầu xanh sàn, giá vàng vẫn đi lên khi nhu cầu tiêu thụ tại một số quốc gia châu Á tăng vọt trong mùa giáp Tết Nguyên đán.

Kết thúc phiên 1/2, giá vàng giao ngay tăng 13,10 USD (-0,71%), lên 1.861,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 13,20 USD (-0,71%), lên 1.861,20 1.862,20 USD/ounce.

Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Hai, được thúc đẩy bởi dữ liệu tồn kho dầu thô của Mỹ giảm và nhu cầu nhiên liệu tang mạnh trong bối cảnh một trong những trận bão tuyết tồi tệ nhất trong nhiều năm ập đến Đông Bắc nước Mỹ.

Số liệu của chính phủ Mỹ trong tuần trước cho thấy tồn kho dầu thô giảm 2,3 triệu thùng tại Cushing, Oklahoma.

Vùng Đông Bắc nước Mỹ vừa phải hứng chịu một cơn bão tuyết mùa đông cực mạnh, nhấn chìm khu vực rộng lớn trải dài từ Pennsylvania qua New England và gây ra tình trạng gián đoạn đi lại trên diện rộng ở Thành phố New York và các trung tâm đô thị lớn khác trong khu vực.

Goldman Sachs cho biết, giá dầu có thể tăng lên 65 USD/thùng vào tháng 7, dự báo thâm hụt thị trường dầu là 900.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2021

Kết thúc phiên 2/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,35 USD, (+2,6%), lên 53,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,31 USD, (+2,4%), lên 56,35 USD/thùng.

Tin bài liên quan