Lực cầu hụt hơi ở các cổ phiếu vốn hóa lớn sau khi chỉ số vượt lên trên đỉnh ngắn hạn cũ là nguyên nhân khiến VN-Index vẫn loay hoay, chưa thể bứt phá, đóng cửa cuối tuần qua tại 1.279,91 điểm.
Nhìn ra thế giới, thị trường chứng khoán toàn cầu có một tuần giao dịch tương đối suôn sẻ, bất chấp cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) diễn ra. Tại Mỹ, chỉ số S&P500 tăng hơn 1% nhờ lực kéo của các cổ phiếu công nghệ như Apple, Nvidia… Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán lớn ở châu Á như Kospi, Nikkei cũng kết tuần tăng điểm. Nhìn chung, các chỉ số chứng khoán có mối tương quan cao với VN-Index đều có một tuần giao dịch tích cực.
Chỉ số đồng USD (US Dollar Index - DXY) ghi nhận sự biến động khá mạnh trong tuần qua, hiện chỉ số này đã tăng trở lại trên mốc 105 điểm, nhờ sự yếu đi của các đồng tiền chủ chốt khác như Euro, Yên Nhật. Mặc dù vậy, chúng tôi đánh giá, DXY khó tăng mạnh trong thời gian tới, mà sẽ vận động chủ yếu quanh khu vực 104 - 105 điểm, trong bối cảnh kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong nửa cuối năm nay là vẫn lớn.
Tình hình vĩ mô trong nước không có biến chuyển quá lớn và có thể nói là đang duy trì sự ổn định cần thiết. Điều này được thể hiện qua chỉ báo vĩ mô ưa thích của chúng tôi là lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm liên tục điều chỉnh trong thời gian gần đây.
Diễn biến chưa thực sự khả quan trong tuần qua là khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh bán ròng, với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng trên HOSE. Điểm tích cực là trong phiên giảm mạnh ngày cuối tuần (14/6/2024), khối ngoại chỉ bán ròng hơn 500 tỷ đồng và không tham gia vào nhịp bán tháo cuối phiên. Ngoài ra, thông tin Quỹ ETF iShares Frontier and Select EM có thâm niên 12 năm ở thị trường chứng khoán Việt Nam do Blackrock quản lý sẽ giải thể trong vòng 9 tháng tới, tạo thêm sức ép bán ra của khối ngoại trong suốt thời gian qua. Hiện tại, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chỉ còn chiếm 18% trong danh mục của Quỹ, các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là HPG, VHM, SSI, SHB, VRE.
Một trong những lý do khiến thị trường chưa thể bứt phá là dòng tiền vẫn đang có xu hướng tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sự chọn lọc rất khắt khe của dòng tiền.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về xu hướng thị trường chứng khoán trong 3 - 6 tháng tới, bởi 2 chất xúc tác quan trọng nhất là sự ổn định của vĩ mô trong nước và sự tích cực từ liên thị trường chưa thay đổi. Trong ngắn hạn, VN-Index nhiều khả năng sẽ có những phiên rung lắc “rũ bỏ” quanh khu vực 1.250 - 1.280 điểm, các nhịp điều chỉnh từ mốc 1.250 điểm trở lên được xem là lành mạnh.