Rót vốn từ Chương trình phục hồi cho ba dự án đường bộ cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
Chiều nay (10/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Chính phủ tính toán là gần 85.000 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Chính phủ tính toán là gần 85.000 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ).

Với điểm tựa là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét quyết định ba dự án quan trọng quốc gia là ba dự án đường bộ cao tốc ngay kỳ họp thứ ba khai mạc 23/5 tới đây.

Đó là các dự án (giai đoạn 1) đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu.

Chiều nay (10/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra chủ trương đầu tư ba dự án này, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 11 (bắt đầu từ sáng 11/5).

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km, quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe với tốc độ thiết kế 100 km/h.

Về tiến độ thực hiện cả ba dự án đều dự kiến chuẩn bị năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Với tổng chiều dài khoảng 360 km, sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Chính phủ tính toán là gần 85.000 tỷ đồng.

Dự kiến đầu tư công toàn bộ, nên tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chắc chắn là nội dung được Quốc hội quan tâm đặc biệt khi xem xét hồ sơ các dự án này.

Điều đặc biệt là cả ba dự án đều đã được Chính phủ đề xuất trong danh mục dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) và thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 được áp dụng cơ chế chỉ định thầu có tiết kiệm 5% theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này.

Vì thế, một phần vốn được lấy từ chính Chương trình, lần lượt là khoảng 3.800 tỷ đồng, khoảng 2.320 tỷ đồng và khoảng 3.500 tỷ đồng.

Cả ba dự án, theo Chính phủ đều đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Thực hiện Nghị quyết này, hiện Chính phủ đang rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn; trong đó Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí số vốn cụ thể cho ba dự án như trên, từ Chương trình.

Phần còn lại, ngoài nguồn vốn đã dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, vốn cho các dự án còn được huy động từ ngân sách địa phương (nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Sau khi cân đối, Chính phủ khẳng định, toàn bộ nguồn vốn trong giai đoạn 2022 - 2025 đã được cân đối đầy đủ cho cả ba dự án. Trong 2 năm 2022, 2023, Chính phủ ưu tiên giải ngân toàn bộ nguồn vốn trong Chương trình, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Sơ bộ hiệu quả đầu tư, Chính phủ đánh giá các dự án đều đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Sau khi các Dự án hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả số vốn ngân sách trung ương đã bố trí đầu tư cho Dự án theo quy định của pháp luật (tương tự các dự án thành phần đầu tư công của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, khối lượng công việc lớn, Chính phủ cho biết đã cân nhắc lựa chọn cách tiếp cận mới để triển khai nhanh, đồng bộ, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, phát huy trách nhiệm của địa phương, huy động các cấp vào cuộc và huy động tối đa mọi nguồn lực cả trung ương và địa phương tham gia dự án.

Theo đó, cơ chế đặc thù được Chính phủ kiến nghị là cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án và cho phép phân chia các dự án thành theo địa giới hành chính các tỉnh/thành phố.

Ngoài 3 dự án trên, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội còn xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, cũng là các dự án quan trọng quốc gia.

Tin bài liên quan