Rốt ráo thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại Vietnam Airlines (HVN)

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi bị tổn thương nặng bởi Covid-19, việc triển khai thành công Đề án Cơ cấu lại Vietnam Airlines đóng vai trò quyết định tới khả năng phục hồi của hãng hàng không quốc gia trong 5 năm tới.
Năm 2022, Vietnam Airlines phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất khoảng 59.907 tỷ đồng, tăng 201% so với kết quả thực hiện năm 2021

Năm 2022, Vietnam Airlines phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất khoảng 59.907 tỷ đồng, tăng 201% so với kết quả thực hiện năm 2021

Đón đà phục hồi của thị trường

Hai tuần trước ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (ngày 28/6), các cổ đông của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) đón nhận một thông tin khá tích cực từ phía cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không.

Cụ thể, theo công bố của Cục Hàng không Việt Nam hôm 15/6, thị trường hàng không nội địa Việt Nam hiện có tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này dựa trên phân tích của Airbus và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) với các chuyến bay trên phạm vi toàn cầu được ghi nhận từ Flightrada 24 and Airbus Estimate.

Trên thực tế, thị trường hàng không nội địa ghi nhận sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2022, với lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu lượt khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 904,6%; khách nội địa đạt 38,9 triệu lượt khách, tăng 52,6%.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam dự báo, năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt khách, tăng 190% so với năm 2021, riêng khách quốc tế dự kiến khoảng 5 triệu lượt khách, tăng 844% và khách nội địa khoảng 82,8 triệu lượt khách, tăng 178,4%. “Với đà tăng trưởng trên của thị trường nội địa, dự kiến tổng thị trường toàn mạng bay sẽ sớm khôi phục tương đương trước đại dịch”, ông Thắng kỳ vọng.

Đây thực sự là cú hích mạnh mẽ cho các hãng hàng không Việt Nam có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục trụ vững, tiến tới phục hồi nhanh hơn sau đại dịch, bất chấp khó khăn về giá nhiên liệu bay tăng đột biến, tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên toàn thế giới.

Cần phải nói thêm, các hãng hàng không Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines vừa phải trải qua một năm đặc biệt khó khăn, với mạng bay quốc tế thường lệ đi/đến Việt Nam tiếp tục “đóng băng” trong cả năm 2021. Đối với thị trường nội địa, do dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào hai cao điểm quan trọng của năm là Tết và hè, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh, tổng lượng khách thị trường nội địa cả năm chỉ đạt 14,6 triệu lượt khách, giảm 61% so với năm 2019 và thấp hơn 47% so dự báo giữa năm.

Không chỉ sản lượng khách sụt giảm mạnh, năm 2021, giá vé bình quân các tuyến nội địa giảm 34% so với cùng kỳ, ảnh hưởng lớn đến việc cân đối chi phí của các hãng bay.

Để thích ứng với vòng xoáy khó khăn chung đó, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện các giải pháp điều hành linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh và tình hình thị trường. Trong năm 2021, Tổng công ty đã tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu (bay hồi hương, tăng mạnh vận chuyển hàng hóa ...), tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí (5.558 tỷ đồng); kiến nghị hỗ trợ chính sách của Nhà nước (4.815 tỷ đồng), giãn tiến độ thanh toán nợ phải trả (nợ giãn thanh toán cuối năm 2021 là 12.851 tỷ đồng); sử dụng linh hoạt hạn mức tín dụng ngắn hạn (dư nợ vay ngắn hạn cuối năm là 4.098 tỷ đồng).

Ngoài ra, Vietnam Airlines đã triển khai thành công tái cơ cấu nợ các khoản vay trung và dài hạn trong và ngoài nước khoảng 3.203 tỷ đồng. Các giải pháp trên đã phần nào giúp Tổng công ty giảm lỗ, duy trì thanh khoản và đảm bảo được cân đối dòng tiền, duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong quý III/2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành kịp thời việc ký kết hợp đồng vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và tăng vốn cổ phần 7.961 tỷ đồng, giúp Tổng công ty có nguồn tài chính quan trọng để thanh toán một phần nợ quá hạn và cải thiện trữ lượng tiền, bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng điều kiện tiếp tục niêm yết trên sàn HoSE.

Các giải pháp trên đã kịp thời hỗ trợ Vietnam Airlines bổ sung dòng tiền, nguồn vốn, duy trì thanh khoản và đảm bảo khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Đồng thời, giúp Tổng công ty có nguồn tài chính quan trọng để thanh toán một phần nợ quá hạn và cải thiện trữ lượng tiền, bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng điều kiện tiếp tục niêm yết trên sàn HoSE.

Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

Trên nền tảng thị trường nội địa đã có sự phục hồi rõ nét, nhiều đường bay quốc tế quan trọng đã được nối lại, trong năm 2022, Vietnam Airlines phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất khoảng 59.907 tỷ đồng, tăng 201% so với kết quả thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của giá nhiên liệu Jet A1 tăng mạnh, tốc độ phục hồi thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro, Vietnam Airlines vẫn sẽ phải đối diện nguy cơ thua lỗ ở mức cao, dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt.

Được biết, giá nhiên liệu bay dự kiến năm 2022 được Vietnam Airlines xây dựng là 115,3 USD/thùng - cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Rủi ro giá nhiên liệu năm 2022 được đánh giá là rất lớn, phức tạp do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế toàn cầu, cung cầu của thị trường năng lượng và các yếu tố địa chính trị thế giới, đặc biệt là tình hình cuộc xung đột Nga - Ukraine và các hệ lụy kèm theo.

Hiện nhiên liệu đã tăng lên trên 40% chi phí khai thác của Vietnam Airlines. Trong bối cảnh chưa được các cơ quan chức năng cho phép thu phụ thu nhiên liệu và nới trần giá vé, các đường bay nội địa của Vietnam Airlines và nhiều hãng bay khác sẽ rất khó đạt đến điểm hòa vốn.

Cần phải nói thêm, đại dịch xảy ra từ đầu năm 2020 đã xóa sạch các tích lũy và thành quả tài chính của Tổng công ty, các cân đối được cải thiện qua nhiều năm đã bị suy kiệt và thay đổi đột ngột theo chiều hướng tiêu cực.

Bên cạnh đó, cùng với biến động không ngừng của môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, kinh tế số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là các yếu tố thúc đẩy Vietnam Airlines thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, được thực hiện có lộ trình, triển khai có hệ thống từ Công ty mẹ đến các doanh nghiệp thành viên.

“Việc triển khai kịp thời, có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định tới khả năng phục hồi của hãng hàng không quốc gia trong 5 năm tới”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng, Phó trưởng ban Triển khai tái cơ cấu Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Một điểm nhấn quan trọng trong lộ trình phục hồi sau đại dịch là việc Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã gửi báo cáo lấy ý kiến cổ đông Nhà nước và các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện để báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua.

Trong Đề án này, Vietnam Airlines đã xây dựng các giải pháp có tính khả thi cao để nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau, bao gồm việc tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền; phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.

Theo đó, ngay trong năm 2022, Vietnam Airlines sẽ chuyển đổi cấu hình 2 tàu bay A321 thành A321 Freighter theo hình thức bán và thuê lại 2 tàu bay này. Việc đưa vào khai thác tàu bay chở hàng sớm sẽ giúp hãng tận dụng cơ hội thị trường, chủ động trong lịch bay, tạo dựng vị thế trước khi có sự tham gia của các hãng hàng không trong nước khác và phục vụ mục tiêu dài hạn là xây dựng đội tàu bay chở hàng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dư thừa nguồn lực tàu bay ở thời điểm hiện tại và có thể kéo dài 2-3 năm nữa, dòng tiền bị suy giảm và thâm hụt nghiêm trọng, Vietnam Airlines sẽ bán 32 tàu bay, trong đó có 26 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72.

Đặc biệt, gai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn thông qua việc triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài với chi phí hợp lý thông qua các kênh: phát hành trái phiếu, vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu. Đối với trái phiếu, trong giai đoạn 2023-2024, Vietnam Airlines sẽ chào bán trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế với hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng).

“Các giải pháp này sẽ được Vietnam Airlines triển khai sau khi Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và các chủ trương giải pháp thoái vốn, phát hành cổ phiếu tăng vốn được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, được cổ đông Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông của thông qua”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin.

Tin bài liên quan