Theo tin từ báo Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải vừa đồng ý cấp 40.000 USD để Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) tiến hành đợt rà soát kỹ thuật, dự kiến vào tháng 5/2017, nhằm đánh giá tổng thể năng lực giám sát an toàn của CAAV theo các quy định của ICAO.
Dựa trên kết quả đợt rà soát này, FAA sẽ lập kế hoạch và có thông báo chính thức về Đánh giá An toàn hàng không toàn cầu – IASA đến CAAV. Được biết, để chuẩn bị cho đợt Đánh giá IASA, phía Cơ quan Phát triển thương mại Hoa Kỳ đã tài trợ Dự án Nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không với số tiền lên tới 0,56 triệu USD.
Dự án vừa kết thúc vào tháng 3/2016 này có mục tiêu giúp CAAV hoàn thiện Kế hoạch hành động khắc phục và hỗ trợ công tác đào tạo cho cán bộ; tiếp tục quá trình cập nhật hệ thống các quy chế, văn bản pháp lý và hỗ trợ trong công tác đào tạo nghiệp vụ đối với thanh tra của cơ quan quản lý Việt Nam theo tiêu chuẩn của FAA, thực hiện mục tiêu được FAA phê chuẩn Mức 1 về an toàn (CAT I).
Điều này đồng nghĩa với việc CAAV đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn của các hãng hàng không Việt Nam đúng như tiêu chuẩn của FAA.
Lãnh đạo CAAV cho biết, khi đạt CAT I, các hãng hàng không thương mại của Việt Nam sẽ có thể khai thác các chuyến bay vận chuyển hàng hóa và hành khách trực tiếp giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trước đó, vào tháng 11/2016, Vietnam Airlines đã nộp đơn xin khai thác trực tiếp tới Bộ Giao thông Hoa Kỳ với mục tiêu mở đường bay thẳng vào thời điểm thích hợp, dự kiến vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, điều kiện cần để phía Hoa Kỳ xem xét đơn của hãng hàng không quốc gia làcơ quan quản lý nhà nước về hàng không Việt Nam phải đạt được CAT I.
Tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 689.000 khách vào năm 2016, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 – 2016 đạt 8,4%/năm. Trên thị trường chưa có hãng bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ. Khách chủ yếu sử dụng sản phẩm có 1 điểm dừng qua Đài Loan (63%); Incheon – Hàn Quốc (12%); Hồng Kông (11%); Narita – Nhật Bản (3%); Bắc Kinh (3%) và Thượng Hải (3%).