Vietnam Airlines sắp trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ. Ảnh: Đức Thanh

Vietnam Airlines sắp trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ. Ảnh: Đức Thanh

Rốt ráo mở đường bay thẳng thương mại thường lệ tới Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
Cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều đang khẩn trương hoàn tất các điều kiện cần và đủ để có thể khai mở đường bay thẳng thương mại thường lệ tới Hoa Kỳ.

Người khai mở

“Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines sẵn sàng trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ. Ngoài việc đã đi đến cuối của quy trình xin cấp phép, đây là thời điểm phù hợp về thương mại để chúng tôi chính thức tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng và cũng rất nhiều thách thức này”, ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin.

Trước đó, vào ngày 21/9, Vietnam Airlines đã chính thức hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ (TSA) xem xét phê chuẩn. Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) sẽ cấp phép cho Hãng hàng không quốc gia khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vào cuối năm 2019, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt đầu tiên được Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ (DOT) cấp phép bay thương mại tới Hoa Kỳ và cấp slot (lượt cất, hạ cánh) cho các chuyến bay thẳng thường lệ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những điều kiện cần đầu tiên mà một hãng bay phải đạt được.

Được biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Vietnam Airlines, song song với việc xem xét phê chuẩn năng lực bảo đảm an ninh của hãng hàng không, TSA sẽ cử đại diện sang Việt Nam để khảo sát trực tiếp và đánh giá năng lực bảo đảm an ninh của sân bay xuất phát từ Việt Nam. Giấy phép của TSA sẽ là cơ sở để FAA cấp phép cho Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không Việt khai thác các chuyến bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ.

Đây là hai giấy phép quan trọng cuối cùng giúp Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên hội đủ các điều kiện pháp lý từ phía các cơ quan chức trách Hoa Kỳ để mở các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đến quốc gia có hàng rào, thủ tục pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới này.

“Nếu mọi việc suôn sẻ, Vietnam Airlines có thể nhận được sự phê chuẩn của TSA và FAA trong tháng 10/2021 và thực hiện khai thác vào cuối năm nay”, ông Quang khẳng định và cho biết thêm, chuyến bay có 1 điểm dừng.

Cần phải nói thêm rằng, cho đến nay, tại Việt Nam chưa có hãng hàng không nào có giấy phép của TSA và FAA để mở đường bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ, song một số hãng đã được cấp phép khai thác các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đặc biệt giữa hai nước.

Vietnam Airlines là hãng đầu tiên được cấp phép bay này, lần thứ nhất vào tháng 4/2020 và lần thứ hai vào tháng 6/2021, với mỗi lần được phép khai thác tối đa 12 chuyến bay trong vòng một năm. Việc thực hiện các chuyến bay thuê chuyến là một trong những bước đệm để Vietnam Airlines thử nghiệm, đánh giá và chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thường lệ đến Hoa Kỳ.

Thêm người nhập cuộc

Ngay sau khi Vietnam Airlines tuyên bố đệ trình các tài liệu cuối cùng lên TSA và FAA, Bamboo Airways cũng đã thực hiện chuyến bay thẳng thử nghiệm đầu tiên của hãng hàng không non trẻ này tới Hoa Kỳ, đồng thời khởi động các thủ tục cần thiết để được nhà chức trách Hoa Kỳ cấp giấy phép bay thẳng thương mại.

Cũng giống như lộ trình mà hãng hàng không quốc gia phải trải qua, Bamboo Airway cũng phải có các giấy phép của DOT, FAA, TSA, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (NTBS) và một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác.

“Tuy nhiên, Bamboo Airways có thể rút ngắn đáng kể thời gian xin cấp phép do nhiều thủ tục chung đã được Vietnam Airlines hoàn thiện”, một chuyên gia nhận định.

Bamboo Airways đặt mục tiêu khai thác chuyến bay thẳng thương mại thường lệ từ đầu năm 2022, tần suất khởi đầu là 3 chuyến/tuần và sẽ nhanh chóng nâng lên thành 5 - 7 chuyến/tuần trên cơ sở nhu cầu thị trường.

Trước mắt, Bamboo Airways sẽ bay chặng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - sân bay quốc tế San Francisco. Đây cũng là chặng bay mà Vietnam Airlines dự kiến khai thác.

Cần phải nói thêm rằng, trong hành trình mở đường bay tới Hoa Kỳ, những công việc mang tính pháp lý tuy khá phức tạp, đòi hỏi thời gian, nhưng vẫn chưa phải là rào cản lớn nhất.

Hiện tại có khoảng 20 hãng hàng không quốc tế đang khai thác thị trường Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua các đường bay có từ một đến hai điểm dừng. Có những thời điểm, vé khứ hồi từ Los Angeles về Tân Sơn Nhất được các hãng hàng không Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc chào bán có 600 USD. Giá vé ở mức không tưởng này khiến hành khách dễ dàng từ bỏ những tiện ích và tiết kiệm thời gian của việc được bay thẳng.

Trong quá khứ, hai hãng hàng không lớn nhất Hoa Kỳ là United Airlines và Delta Airlines từng khai thác đường bay tới TP.HCM, nhưng sớm phải đóng lại do hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng. Rất nhiều chuyên gia kỳ cựu về hàng không cũng khẳng định, khai thác đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ không dễ và cần phải mất khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm, các hãng mới có thể hòa vốn.

Đó là chưa kể, các loại tàu bay lớn nhất mà Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang khai thác là Airbus350-900, Boeing 787-9 và Boeing 787-10 đều có thể khai thác bay thẳng đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu bay thẳng, không điểm dừng kỹ thuật thì các loại tàu bay này đều phải giảm tải.

Cách đây 10 năm, United Airlines và Delta Airlines đã từng bay đến Việt Nam, nhưng sau đó dừng khai thác vì không hiệu quả. Với thời gian bay kéo dài, bay đến Hoa Kỳ chưa bao giờ là cuộc chơi của các hãng hàng không giá rẻ, không chỉ tại Việt Nam, mà cả các nước trong khu vực châu Á. Tại khu vực Đông Nam Á, sau khi Malaysia Airlines dừng đường bay do thua lỗ lớn, Singapore Airlines là hãng duy nhất có đường bay tới Hoa Kỳ.

“Hiện nay, thị trường đúng là đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự gia tăng của các hoạt động thương mại, du lịch, học tập, thăm thân giữa 2 nước. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là một thị trường khó tính và đầy thử thách đối với mọi hãng hàng không. Rủi ro là rất lớn nếu không có sự nghiên cứu, đánh giá thị trường đầy đủ và quá trình chuẩn bị hết sức bài bản, tỉ mỉ”, ông Trần Gia Huy, chuyên gia thuộc Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam khuyến cáo.

Đơn vị tiên phong

Ngay từ những năm 2000, Vietnam Airlines đã thành lập văn phòng đại diện tại San Francisco nhằm xây dựng hệ thống bán và tiếp cận các nguồn khách hàng. Ở giai đoạn này, Hãng cũng bắt đầu hợp tác liên danh với một số hãng hàng không nội địa Hoa Kỳ như American Airlines, Delta Air Lines... để thăm dò và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Vai trò tiên phong này tiếp tục được Vietnam Airlines lĩnh xướng với việc vào đầu tháng 9/2019, Hãng được DOT trao giấy phép vận chuyển thương mại hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cụ thể, Vietnam Airlines được phép thực hiện các chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM tới một số điểm đến của Hoa Kỳ, có thể thông qua các điểm trung chuyển tại Đài Bắc (Trung Hoa), Osaka, Nagoya (Nhật Bản).

Tới thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được FAA cấp giấy phép này.

Vào tháng 2/2019, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã được FAA phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) - một trong nhiều điều kiện cần và tiên quyết để một hãng hàng không Việt Nam được phép mở các đường bay thương mại tới Hoa Kỳ.

Tin bài liên quan