Room tín dụng có còn cần thiết?

Room tín dụng có còn cần thiết?

(ĐTCK) Nếu như trước đây, khi nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng tỏ ra lo ngại, không biết có đủ để thực hiện hay không, thì nay, rất ít nhà băng quan tâm đến chỉ tiêu này.

Vì thực tế, để tăng trưởng được tín dụng trong bối cảnh hiện nay không dễ, đồng thời, khi cần thiết nới “room” cũng sẽ được NHNN sẵn sàng đáp ứng.

Room tín dụng có còn cần thiết? ảnh 1Dư nợ tín dụng của Eximbank trong 5 tháng đầu năm mới tăng 0,9%

 

Sẵn sàng tăng room

Sau hơn 5 tháng hoạt động đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Sacombank đạt khoảng 8% so với chỉ tiêu nhận được cho năm nay là 12%. Trong đó, tín dụng cá nhân chiếm một phần không nhỏ. Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, với chiến lược của Ngân hàng là tập trung cho vay phân tán, nhỏ lẻ, Ngân hàng chú trọng nhiều vào các khoản vay của khách hàng cá nhân, nhất là cho vay mua nhà. Lợi thế mà Sacombank có được trong việc đẩy mạnh chiến lược bán lẻ chính là có mạng lưới rộng. Theo ông Phú, do tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm tại Sacombank có dấu hiệu tích cực, nên Sacombank đề xuất xin NHNN tăng “room” tín dụng lên 20% và kết quả đã được NHNN chấp thuận cách đây 2 tuần.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng có quy mô vốn tầm trung cũng cho hay, chỉ tiêu tín dụng ngân hàng ông được giao trong năm nay là 9% so với mức 15% năm trước. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng của nhà băng này cũng xấp xỉ 5%. Vì thế, nếu từ nay đến giữa quý III, nhu cầu vốn của khách hàng thay đổi theo chiều hướng tích cực thì ngân hàng này cũng sẽ kiến nghị NHNN xin tăng thêm “room” tín dụng để có thêm điều kiện phát triển cho vay.

Trên thực tế, so với năm trước, khi “room” tăng trưởng dư nợ tín dụng được NHNN phân giao ngay từ đầu năm dựa trên năng lực của từng ngân hàng thì năm nay đã có sự thay đổi. Tuy vẫn đặt ra hạn mức, song NHNN khuyến khích các NHTM đưa vốn ra thị trường để hỗ trợ kịp thời nhu cầu của khách hàng. Khi có nhu cầu tăng “room”, NHNN sẵn sàng đáp ứng cho ngân hàng.

 

Nhưng không nhiều ngân hàng cần

Hai ngân hàng có nhu cầu tăng room nói trên chỉ là các trường hợp ít ỏi. Trên thực tế, mặc dù tăng trưởng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện, song nhìn chung vẫn rất chậm so với tốc độ cần có để cán đích 12% năm trong năm nay. Tính đến ngày 31/5, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng 2,98%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (0,56%) và cải thiện qua các tháng. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%.

Diễn biến nền kinh tế vẫn hết sức khó khăn khi hàng tồn kho chưa có dấu hiệu giảm. Nhu cầu vốn của khách hàng không tăng thì dù lãi suất đã giảm xuống mức thấp, tín dụng cũng vẫn ì ạch.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, lãi suất cho vay đã giảm từ mức 18 - 19%/năm trong năm 2011 xuống mức bình quân hiện nay khoảng 11%/năm. Riêng tại Eximbank, mức lãi suất cho vay bình quân còn khoảng 11,02%/năm. Thế nhưng, theo ông Phước, mặc dù lãi suất cho vay đã được giảm xuống mức thấp và thậm chí về dưới trần huy động, chỉ còn 7%/năm mà Eximbank đang áp dụng, song các doanh nghiệp tốt vẫn “lắc đầu” khi được ngân hàng chào mời vay vốn.

“Với ngân hàng, vẫn biết cho vay lãi suất 7%/năm hiện nay là lỗ, nhưng nếu không cho vay ra sẽ càng khó khăn”, ông Phước nói và cho biết, dư nợ tín dụng của Eximbank trong 5 tháng đầu năm mới tăng 0,9% so với chỉ tiêu nhận được năm nay là 12%.

Không chỉ Eximbank, theo tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM, muốn đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ lúc này cũng khó. Khách hàng tốt chưa có nhu cầu vay, trong khi người cần vốn lại nhiều rủi ro.

Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, ông Tô Duy Lâm cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước chỉ đạt 3,1%, trong khi huy động vốn tăng 5%. Trong khi đó, nợ xấu của các ngân hàng vẫn ở mức cao, khoảng 5,91%. Vì thế, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Lãnh đạo CitiBank cho rằng, để có thể kiểm soát được rủi ro và hạn chế nợ xấu, các NHTM phải tiến tới việc áp dụng các chuẩn mực của Thông tư 02/2013/TT-NHNN, cho dù thông tư này đã được NHNN lùi thời gian thực hiện đến 30/6/2014.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, mặc dù thanh khoản của các ngân hàng hiện đã được cải thiện, nhưng chưa thực sự an toàn. Các ngân hàng cũng không nên lo ngại đến vấn đề tiền thừa. Sự ổn định thanh khoản của hệ thống cần được củng cố thêm một bước và trên cơ sở đó có thể giảm thêm mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay.

Về lãi suất cho vay, theo thống kê của NHNN, trong 6 tháng đầu năm nay, dư nợ có lãi suất dưới 10%/năm chiếm khoảng 14% tổng dư nợ của ngành; lãi suất từ 10 - 13%/năm chiếm trên 50% tổng dư nợ; lãi suất 13 - 15% chiếm khoảng 24% và lãi suất trên 15% chiếm khoảng 12%. Mục tiêu của NHNN sắp tới vẫn là hạ lãi suất đồng loạt xuống dưới 13%/năm để doanh nghiệp có thể vay và đưa lãi suất cho vay dài hạn về dưới 12%/năm, còn ngắn hạn là 10%/năm. Tuy nhiên, Thống đốc Bình cho rằng, mọi chính sách đều phải có lộ trình và độ trễ nhất định.