“Room” ngoại vẫn là trở lực

0:00 / 0:00
0:00
Chuyện “nới room” từng là chất xúc tác cho thị trường chứng khoán giai đoạn năm 2015, nhưng thực tế sau 7 năm không như kỳ vọng.
Tranh cãi về mức room ngoại tại Sacombank đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Ảnh: Đức Thanh

Tranh cãi về mức room ngoại tại Sacombank đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Ảnh: Đức Thanh

Từ câu chuyện của Sacombank

Liên tiếp trong 5 phiên liên tiếp, từ ngày 14/2 đến 20/2, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank, ghi nhận đợt bán ròng dài nhất của khối ngoại tại đây trong hơn 3 tháng. Lệnh bán của khối ngoại được kích hoạt sau khi phía Sacombank cho rằng, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã tự động nâng “room” ngoại của nhà băng này lên 30% từ mức 23,63% theo công văn thông báo hồi tháng 9/2016, khi Sacombank chuẩn bị niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng Southernbank.

Theo phản hồi từ cơ quan quản lý, thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hồi năm 2016 nhằm đảm bảo sau khi được chấp thuận niêm yết bổ sung, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sacombank không vượt quá 30%. Đây là động thái điều chỉnh thông thường khi tổ chức niêm yết triển khai phương án phát hành, có thể dẫn đến sự thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Sở giao dịch sau đó có văn bản điều chỉnh room ngoại khi hoàn tất phát hành.

Đợt phát hành của Sacombank khá đặc biệt, kéo dài đến một năm và “sót” văn bản điều chỉnh lại sở hữu tối đa của khối ngoại. Dù vậy, theo quy định hiện hành, “room” ngoại của ngân hàng Việt hiện ở mức tối đa 30% và chỉ có thể thấp hơn trong trường hợp đại hội đồng cổ đông thông qua và ghi rõ tại điều lệ công ty.

Tranh cãi về mức room ngoại tại Sacombank đến nay vẫn chưa ngã ngũ, khi tại văn bản gần nhất, Sacombank yêu cầu VSD chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khối ngoại đã hành động từ rất sớm khi có những tín hiệu liên quan. Norges Bank - quỹ thuộc Dragon Capital bán ra 750.000 cổ phiếu riêng trong phiên 14/2, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng này giảm từ mức sát trần xuống 29,2% (ngày 21/2).

Tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức niêm yết đã có thay đổi đáng kể sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP ra đời. Thay vì mức tối đa 49%, lần đầu tiên Chính phủ cho phép mức tỷ lệ sở hữu nước ngoài không hạn chế. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm, kết quả không như kỳ vọng ban đầu.

Hiện chứng khoán Việt Nam chỉ có 97 trong hơn 1.600 tổ chức niêm yết, tương đương khoảng 6%, mở room ngoại ở mức tối đa 100%. Trong khi đó, 343 doanh nghiệp khóa “room” xuống 0%. Xét riêng ở nhóm cổ phiếu VN30, cũng chỉ có 3 cổ phiếu gồm VNM, SAB và SSI không hạn chế sở hữu của khối ngoại.

Có nhiều doanh nghiệp phải giới hạn “room” ngoại do cần tuân theo điều ước quốc tế, hoặc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nhưng cũng có doanh nghiệp hạ room vì không mấy mặn mà. Lợi ích từ câu chuyện thu hút vốn ngoại sau nới “room” chưa đủ để hấp dẫn tổ chức niêm yết.

Bao giờ mới có NVDR?

Giai đoạn năm 2015, câu chuyện “nới room” từng là chất xúc tác cho thị trường chứng khoán khi mở ra cơ hội dòng vốn ngoại đổ thêm nhiều hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Kỳ vọng nhiều, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Làm việc với nhiều quỹ ngoại khi giới thiệu kết nối các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên A+ Fund cho biết, một trong những rào cản lớn nhất khiến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp còn e ngại rót vốn chính là “room” ngoại. Một quỹ khi quyết định đầu tư có thể giải ngân khoản tiền lớn vài trăm triệu USD, nhưng cái khó là không có sản phẩm để mua. Với nhiều tiêu chí, đặc biệt là về tính thanh khoản tốt, các quỹ chuyên nghiệp không có nhiều lựa chọn khi tỷ lệ sở hữu tối đa vẫn là trở lực lớn.

Không riêng các quỹ đầu tư chủ động, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số (ETF) cũng xem “room” ngoại là điều kiện quan tâm nhất để giải ngân lượng tiền lớn. Vướng mắc liên quan đến “room” ngoại tại Việt Nam cũng giống các thị trường khác, do số lượng doanh nghiệp ở ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị hạn chế sở hữu nước ngoài chiếm tỷ trọng khá lớn. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại không ít doanh nghiệp lớn vẫn ở mức cao cũng là điều mà khối ngoại nhìn vào khi quyết định đầu tư.

Một giải pháp cải thiện được tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã được Thái Lan áp dụng từ năm 2001 và lần đầu được đề cập tại Luật Doanh nghiệp của Việt Nam hiện hành (có hiệu lực từ năm 2021) là phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Dù vậy, sản phẩm này vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Việc xây dựng tổ chức phát hành NVDR (một công ty con của sở giao dịch chứng khoán) vẫn chưa ghi nhận tiến triển.

Theo các chuyên gia, nếu không cải thiện tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, việc nâng hạng cũng sẽ rất khó. Thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam không chỉ dựa vào bản thân tổ chức phát hành, mà còn cần cơ chế mở đường cho các sản phẩm mới như NVDR, cùng nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan