Room ngoại còn lại hạn hẹp
Tại một số ngân hàng, hiện room ngoại còn lại rất thấp, nếu chiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, để nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu vốn tại ngân hàng Việt Nam, không chỉ các ngân hàng trong nước kiến nghị được nới room, mà các nhà đầu tư nước ngoài đã có đề xuất nâng hạn mức sở hữu so với mức tối đa hiện nay.
Nhìn vào bức tranh thực tế hiện nay có thể thấy, ACB đã cạn room ngoại 30%. HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại, thu về 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng). Techcombanklấp kín room ngoại khi bán cổ phần cho Warburg Pincus, thu về 370 triệu USD trước thời điểm niêm yết trên sàn HOSE năm 2018. VIB chốt room ngoại chỉ 20,5%, vì đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là CommonwealthBank of Australia nắm giữ 20%. Trong khi đó, OCB vừa được chấp thuận tăng vốn từ việc bán 11% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Ngân hàng Aozora của Nhật Bản trong tổng room dành cho nhà đầu tư nước ngoài chốt trước đó là 23,66%. Đồng thời, hiện có một quỹ đầu tư của Tập đoàn VinaCapital sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của OCB.
Tại VietinBank, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Quỹ Đầu tư cấp vốn IFC (IFC Capitalization Equity Fund) tiếp tục thoái vốn trong những tháng cuối năm 2019 nên nhà băng này có thêm room vốn ngoại. Cụ thể, kể từ ngày 10/1/2020, IFC không còn là cổ đông lớn của VietinBank sau khi hoàn tất bán ra 55,7 triệu cổ phiếu CTG, giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại VietinBank từ 6,486% xuống còn 4,99%. Hiện nhóm cổ đông IFC chỉ còn nắm gần 185,8 triệu cổ phiếu CTG.
Việc IFC thoái vốn khiến room vốn ngoại tại VietinBank được mở hơn một chút. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của VietinBank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sở hữu 64,46% cổ phần; Ngân hàng của Nhật Bản - MUFJ đang sở hữu 19,73%.
Còn tại Vietcombank, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành, hiện vẫn còn room để phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài nên nhà băng này kiến nghị Chính phủ và NHNN cho phép nới thêm tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, trong khi vẫn giữ tỷ lệ phần vốn của Nhà nước ở mức 65%. Đáng chú ý là đề xuất này đến ngay sau khi Vietcombank bán thành công 3% cổ phần cho hai đối tác nước ngoài (GIC và Mizuho), thu về 6.200 tỷ đồng đầu năm 2019.
Tại BIDV, sau khi bán thành công 15% vốn cho KEB Hana Bank, Ngân hàng đang có kế hoạch bán tiếp khoảng 6% vốn điều lệ.
Kỳ vọng nới thêm room
Hiện không ít ngân hàng Việt Nam đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, song cũng nhiều ngân hàng còn nguyên room, một phần do vừa chia tay với cổ đông ngoại. Tuy nhiên, với tỷ lệ cổ phần theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP (không vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tối đa 30% cho các nhà đầu tư nước ngoài), nhà đầu tư ngoại không thể chi phối được các quyết định lớn của ngân hàng nên họ không mặn mà tham gia. Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư ngoại và kể cả ngân hàng trong nước muốn nới thêm room để có cơ hội hơn trong việc thu hút vốn nước ngoài để tăng vốn điều lệ.
Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng, một chuyên gia kinh tế cho rằng, với nhu cầu tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II của hầu hết các ngân hàng trong thời gian tới thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nên xem xét để tiếp tục nới. Điều này một mặt nhằm tăng thêm tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, mặt khác nếu thiếu dòng vốn ngoại, các ngân hàng niêm yết cũng thiếu động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính.
Không ít nhà băng đề nghị nới room ngoại, có thể lên tới tỷ lệ 51%, bởi đây là động thái cần thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP (khoản 5, Điều 7), không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong khi đó, cần nhìn nhận một thực tế là đa phần các ngân hàng toàn cầu, ngân hàng trong khu vực hiện nay đã phải tuân thủ theo Basel III, có nghĩa khả năng tham gia làm cổ đông chiến lược tại các ngân hàng khác sẽ không còn nhiều như trước đây. Vì vậy, đã tới lúc cần xem xét lại tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam để tăng độ hấp dẫn.
Nới room một mặt nhằm tăng thêm tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, mặt khác nếu thiếu dòng vốn ngoại, các ngân hàng cũng thiếu động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính.
Hiện tại, mong muốn của các nhà đầu tư ngoại, cũng như bản thân ngân hàng trong nước là nới thêm room ở mức khoảng 35 - 40%, thậm chí một số nhà băng mong muốn được nới room lên 49 - 51%. Bên cạnh đó, NHNN đã cho phép nhà đầu tư ngoại mua lại 100% vốn của những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nhưng đến nay vẫn chưa có thương vụ nào thành công.
VIB, VPBank, Techcombank, ACB là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của Ngân hàng Châu Âu. Đó là kết luận tại báo cáo nghiên cứu ngành ngân hàng với cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) do Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) vừa công bố. Theo EVFTA, giữa Việt Nam và EU sẽ có các cam kết, ưu đãi về thương mại, dịch vụ và đầu tư. Đáng chú ý, đối với dịch vụ ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank).
Còn theo đánh giá từ chuyên gia thuộc JPMorgan, các ngân hàng Việt Nam là cơ hội đầu tư nổi trội ở Đông Nam Á. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài gặp rào cản lớn về mặt pháp lý liên quan đến mức trần giới hạn sở hữu tối đa 30%.
Không phủ nhận cơ hội mở ra cho ngân hàng nội khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là rất lớn, tuy nhiên TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cần thận trọng xem xét nới room cho các nhà đầu tư ngoại để đảm bảo sự an toàn và ổn định của cả hệ thống tài chính; nếu mở chỉ nên mở với từng loại hình tổ chức tín dụng cụ thể và có lộ trình. Hiện NHNN cũng đang đi theo hướng này. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng có đề cập tới nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là: Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu nước ngoài tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém được mở room lên 100%.
Chính phủ và NHNN cũng nhiều lần nhắc tới việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Đây cũng được xem sẽ là cơ hội cho những nhà băng này hồi sinh. Thêm nữa, với kinh nghiệm quản trị của các nhà băng ngoại sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những ngân hàng này tăng trưởng, phát triển bền vững trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng cao. Từ đó, tác động tích cực tới thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tất nhiên, để làm được điều này không đơn giản, do khuôn khổ pháp luật cũng như thoả thuận về giá cả của hai bên.
Trong các buổi làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhiều lần khẳng định, Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.