Rồng Việt đã tư vấn thu xếp vốn cho nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, Công ty nhận định gì về các hình thức huy động vốn trên thị trường hiện nay?
Doanh nghiệp có thể chủ động huy động vốn bằng nhiều hình thức từ các nhà tài trợ vốn khác nhau thông qua thị trường vốn, bao gồm việc chào bán riêng lẻ và chào bán ra công chúng, hay thị trường nợ - phát hành trái phiếu, tùy vào mục đích và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Nhìn chung, đa phần các doanh nghiệp huy động vốn là để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh. Do đó, ngoài việc huy động vốn thông thường, mua bán - sáp nhập (M&A) các công ty trong cùng lĩnh vực để mở rộng quy mô, hay M&A các công ty trong cùng chuỗi giá trị có thể cùng một lúc giải quyết bài toán huy động vốn và phát triển kinh doanh.
Mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm, tùy vào đặc điểm cụ thể của ngành nghề, quy mô, giai đoạn phát triển và khả năng tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh, hoặc bí quyết công nghệ, thì có thể tiếp cận nguồn vốn của các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) để được sự hậu thuẫn về vốn cũng như một phần về quản trị điều hành. Còn doanh nghiệp đã đạt đến một quy mô nhất định trong ngành, hoạt động đầu tư trong các năm trước dần phản ánh vào kết quả kinh doanh và tạo ra dòng tiền thì có thể cân nhắc huy động vốn từ đại chúng thông qua IPO.
Thời gian qua, pháp luật có nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Theo ông, các quy định này có tác động như thế nào?
Có một số quy định đáng chú ý như việc cho phép phá sản ngân hàng từ 15/1/2018, bước đầu tiên trong việc dịch chuyển hệ thống thị trường tài chính từ dựa vào ngân hàng sang dựa trên thị trường. Ðây là cơ hội chung cho Việt Nam trong việc tăng quy mô thị trường và thu hút người có vốn nhàn rỗi tham gia thị trường tài chính, bởi tiền gửi tiết kiệm không còn là khoản đầu tư gần như phi rủi ro như quan niệm hình thành từ lâu nay đối với người dân.
Ông Lê Văn Nhật Tuấn, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Rồng Việt.
Trong khi đó, Chính phủ nỗ lực thúc đẩy quy mô thị trường chứng khoán và minh bạch hóa thông tin thông qua việc hoàn thiện dần hệ thống pháp lý về thị trường chứng khoán.
Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018 có các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán là cơ sở để việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này có tính răn đe hơn, thúc đẩy sự minh bạch của thị trường.
Bộ Tài chính đang xây dựng Ðề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), áp dụng từ năm 2022 (tự nguyện), sau năm 2025 bắt buộc áp dụng với tập đoàn nhà nước, công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn.
Về chứng khoán nợ, Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NÐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo đó, nới lỏng điều kiện phát hành giúp doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn. Tuy vậy, Nghị định cũng bao gồm các điều khoản hạn chế việc phát hành trái phiếu ra công chúng bằng “đường tắt”, nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo ông, đâu là những vấn đề thường gặp của doanh nghiệp khi huy động vốn?
Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm 98,1% cấu trúc thị trường. Do nguồn lực có giới hạn, hoạt động kinh doanh của nhiều SMEs không có lợi thế rõ ràng, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu và đòi hỏi cao của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô kinh doanh trung bình cũng có thể gặp khó khăn trong huy động vốn khi hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa tách bạch với các hoạt động kinh doanh khác của chủ doanh nghiệp, hoặc thiếu tính liên kết hệ thống trong chuỗi giá trị các hoạt động kinh doanh. Việc này khiến cho bức tranh kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp manh mún, rời rạc, khiến nhà đầu tư cổ phiếu cũng như trái phiếu khó hình dung được triển vọng cũng như rủi ro.
Một số doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng mất cân đối cấu trúc vốn như dùng vốn ngắn hạn để đầu tư tài sản dài hạn khi không được đơn vị tư vấn chuyên nghiệp tư vấn đầy đủ về rủi ro này.
Với tư cách là một ngân hàng đầu tư, Rồng Việt trước khi bắt tay vào việc thu xếp tài chính sẽ hỗ trợ doanh nghiệp định hình lại các lợi thế kinh doanh trong chiến lược dài hạn để làm nổi bật giá trị của doanh nghiệp, đồng thời xác định cấu trúc vốn tài trợ phù hợp, giúp việc huy động vốn có tính khả thi cao.
Ðây chính là giá trị mà các đơn vị tư vấn sẽ mang lại cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hình dung thực tế hơn về sự hợp tác giữa nhà tài trợ vốn và nhóm sáng lập doanh nghiệp, tránh sự kỳ vọng quá cao hoặc sự e ngại quá mức cần thiết mà các doanh nghiệp có thể gặp phải khi nghĩ đến việc huy động vốn từ bên ngoài để phát triển kinh doanh.