Ông Nguyễn Hiếu.

Ông Nguyễn Hiếu.

Rồng Việt: Khác biệt từ chất lượng dịch vụ

(ĐTCK) CTCK Rồng Việt (Rồng Việt) chưa phải là tên tuổi nổi bật trên thị trường. Công ty cũng đang đối mặt với nhiều thử thách trước các diễn biến không thuận lợi của TTCK. Tuy nhiên, Công ty đã và đang vượt qua các thử thách, ổn định và tiếp tục phát triển. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc Rồng Việt.

Diễn biến xấu trên TTCK đã và đang đẩy các CTCK vào cuộc sàng lọc và đào thải quyết liệt. Rồng Việt tự thấy mình đứng ở đâu?

Tuy chưa là cái tên nổi bật nhất, nhưng chúng tôi tin rằng, Rồng Việt đã và vẫn là một trong những CTCK quen thuộc, được thị trường và khách hàng tin cậy. Trong khi có một số CTCK bắt đầu đuối sức, thụt lùi, thì Rồng Việt vẫn giữ vững và cải thiện vị trí của mình.

Về cơ cấu cổ đông, chúng tôi luôn nhận được những cam kết đồng hành và hỗ trợ từ các cổ đông có tiềm lực mạnh như Eximbank, Satra… Vì thế, ở Rồng Việt có sự ổn định về chiến lược và hậu thuẫn về tài chính để phát triển lâu dài. Chúng tôi có thể tự hào ở nhân sự cấp cao Rồng Việt có kinh nghiệm và ít biến động nhất. Đội ngũ nhân viên ở Rồng Việt đa phần trẻ, nhiệt huyết, đạo đức nghề nghiệp tốt và gắn bó. Trong công tác quản trị - điều hành, từ khi thành lập, mọi hoạt động ở Rồng Việt đều được hệ thống hóa, quy chuẩn hóa rất cao. Chúng tôi xây dựng và hoàn thiện các quy trình quản lý sao cho công tác giám sát hoạt động, quản trị rủi ro luôn hiệu quả.

Rồng Việt không hề kém cạnh tranh trong các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho NĐT. Các sản phẩm, dịch vụ của Rồng Việt cung cấp cho khách hàng đa dạng và chất lượng, từ sản phẩm môi giới - dịch vụ chứng khoán, sản phẩm nghiên cứu - phân tích, đến những sản phẩm về tư vấn, lưu ký, quản lý cổ đông, tài trợ giao dịch và các dịch vụ liên quan đến ngân hàng đầu tư.

Đặc biệt, chúng tôi ý thức NĐT cần biết cụ thể, chi tiết những thông tin về tài sản của họ nên từ ngày 2/10/2012, Rồng Việt đã ra mắt hệ thống giao dịch trực tuyến iDragon phiên bản mới. Qua đó, NĐT theo dõi được đầy đủ thông tin về tiền, chứng khoán, về tình trạng danh mục đầu tư, các loại phí, tình hình margin…, vì vậy có thể kiểm soát được bất cứ diễn biến nào trên tài khoản. Có thể nói, Rồng Việt là một trong những công ty đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ này.

Với sự minh bạch, chặt chẽ trong quản lý tài sản của khách hàng như vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi sử dụng dịch vụ của Rồng Việt.

 

Những điều này thực ra chưa đủ để tạo ra khác biệt so với các CTCK khác, thưa ông?

Ai cũng muốn tạo sự khác biệt. Rồng Việt có bộ phận chuyên nghiên cứu, thăm dò thị trường để có thể đưa ra những sản phẩm, dịch vụ có tính tiên phong. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức rằng, với áp lực cạnh tranh lớn thì sự khác biệt chính là CTCK đó có đầu tư nghiêm túc, có tạo ra những sản phẩm đa dạng, hợp nhu cầu và chất lượng tốt hay không.

Trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, Rồng Việt không chỉ đầu tư mạnh vào hệ thống quản lý lõi, mà còn xây dựng, nâng cấp để có những phiên bản giao dịch trực tuyến mới, có tính năng ưu việt dành cho khách hàng. Dịch vụ iDragon hiện nay là một điển hình cho những nỗ lực cải thiện về công nghệ ở Rồng Việt.

Ngoài ra, Rồng Việt là một trong số không nhiều CTCK duy trì thường xuyên, cập nhật, phổ biến rộng rãi các báo cáo nghiên cứu, phân tích. Chúng tôi tin rằng, các báo cáo này sẽ giúp NĐT có thêm cơ sở tham khảo cho những quyết định giao dịch của họ.

Đầu tháng 12 tới, Rồng Việt sẽ tổ chức buổi “Café đầu tuần” cho NĐT, với mục đích chia sẻ thêm thông tin và cái nhìn về kinh tế, về thị trường để hoạt động đầu tư hiệu quả hơn.

Chúng tôi mong, khách hàng sẽ nhìn thấy những nỗ lực của Rồng Việt để tin tưởng và đồng hành cùng Công ty.

 

Rồng Việt: Khác biệt từ chất lượng dịch vụ  ảnh 1Dịch vụ iDragon là một điển hình cho những nỗ lực cải thiện về công nghệ ở CTCK Rồng Việt

Mỗi CTCK đều có một mô hình riêng để hướng tới. Mô hình mà Rồng Việt muốn trở thành là gì?

Ngay từ khi thành lập, Rồng Việt đã định hướng là công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, do Rồng Việt được thành lập cách đây không lâu, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thử thách, nên đây là mục tiêu không thể một sớm một chiều đạt tới. Cần nhiều yếu tố nữa để Rồng Việt trở thành một ngân hàng đầu tư thực sự. Mặc dù vậy, cách thức tổ chức, vận hành lâu nay của Rồng Việt đã đi theo mô hình này. Chúng tôi có mảng môi giới - dịch vụ chứng khoán đang vận hành tốt. Chúng tôi cũng đang từng bước xây dựng các yếu tố của một ngân hàng đầu tư là đa dạng sản phẩm, hỗ trợ thông tin tốt, nền tảng công nghệ tốt, chăm sóc - tư vấn tốt. Trong hoạt động của khối ngân hàng đầu tư, Rồng Việt có 62 hợp đồng liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng đầu tư đã và đang thực hiện. Đây là những khách hàng đa dạng và họ sử dụng những dịch vụ khác nhau ở Rồng Việt. Chúng tôi cũng đang nỗ lực tạo mối quan hệ tốt trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo nền tảng cho vai trò kết nối đầu tư của Rồng Việt.

 

Rồng Việt có những mục tiêu nào cho 3 - 5 năm tới?

Trước mắt, nhiệm vụ Rồng Việt đặt ra là củng cố, vượt qua thử thách trong giai đoạn hiện nay để phát triển lâu dài. Rồng Việt muốn là nhà cung cấp dịch vụ - sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất và thực hiện kết nối các cơ hội đầu tư cho khách hàng. Chúng tôi luôn nỗ lực để trở thành một trong những CTCK uy tín nhất đối với NĐT, mang lại hiệu quả cho cổ đông, xây dựng môi trường làm việc tốt cho nhân viên, đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

 

Ông có thể chia sẻ cách mà Rồng Việt không bị đào thải và nắm lấy cơ hội từ cuộc sàng lọc CTCK đang diễn ra trên thị trường?

Hiện nay, ngoài khó khăn do thị trường suy giảm, các CTCK còn gặp thêm khó khăn từ quy định nghiêm ngặt về chỉ tiêu an toàn tài chính, nhưng Rồng Việt xác định đây là áp lực, đồng thời cũng là động lực để phát triển.

Giải pháp tồn tại là Rồng Việt sẽ tăng năng lực tài chính để bảo đảm an toàn tài chính và gia tăng chất lượng dịch vụ. Rồng Việt đã xây dựng và tìm được hướng tăng năng lực tài chính. Ngoài ra, chúng tôi lấy minh bạch, an toàn tài chính và dựa trên nền tảng cung cấp sản phẩm - dịch vụ chất lượng tốt để tồn tại. Đây cũng chính là cách để chúng tôi tận dụng các cơ hội từ cuộc sàng lọc.

 

Hẳn Rồng Việt phải có niềm tin mạnh mẽ mới quyết “chiến đấu” trong cuộc chiến trụ lại này?

Chúng tôi tin rằng, kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại. TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ và tiềm năng phát triển từ thị trường vẫn còn nhiều. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội sau khi khó khăn này qua đi. Tóm lại, chúng tôi vẫn còn niềm tin về một tương lai TTCK khởi sắc phía trước.

 

CTCK Rồng Việt được thành lập tháng 12/2006, với sự tham gia góp vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Tổng công ty Thương Mại Sài Gòn (Satra)…

* Lĩnh vực hoạt động: môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh, bảo lãnh phát hành, lưu ký chứng khoán.

* Quy mô vốn: 349,8 tỷ đồng.

* Sản phẩm: nhóm sản phẩm môi giới - dịch vụ chứng khoán (gồm giao dịch chứng khoán trực tuyến, giao dịch qua Mobifone, qua SMS, Call Center, margin…); sản phẩm phân tích - báo cáo (báo cáo theo ngày, tuần, tháng, quý, năm, báo cáo về TTCK, về kinh tế vĩ mô, báo cáo chiến lược, báo cáo ngành, phân tích DN…); nhóm sản phẩm dịch vụ ngân hàng đầu tư (thị trường vốn, nợ, tái cấu trúc và định giá, dịch vụ tuân thủ, M&A, tư vấn đầu tư…).

* Sản phẩm mới: iDragon (ra mắt từ ngày 2/10/2012), giúp NĐT theo dõi, giám sát chi tiết các thông tin về tài sản như tiền, chứng khoán, số dư, lãi lỗ, các khoản phí, tình hình margin…

* Café đầu tuần (ra mắt từ tháng 12/2012): vào sáng thứ Hai hàng tuần, Rồng Việt sẽ tổ chức café cho khách hàng. Trong buổi café này, khách hàng sẽ được lãnh đạo, chuyên viên phân tích - tư vấn của Rồng Việt cung cấp thêm các thông tin về kinh tế, về thị trường, cũng như giải đáp những thắc mắc cho khách hàng.

* Ngày 25/5/2010, Rồng Việt chính thức niêm yết 33 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội, với mã chứng khoán là VDS.

* Số lượng khách hàng hiện nay: 54.500 khách hàng.

* Tỷ lệ khách hàng giao dịch thường xuyên: 25%.

* Thị phần môi giới: chiếm 4,4% thị phần ở HOSE, 1,2% thị phần ở HNX, thị phần toàn thị trường đạt 3,3%.

* Tỷ lệ an toàn tài chính: 212,17%.