Nỗ lực đáp ứng tiêu chí
Đầu tháng 5/2024, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành đánh giá về việc có đưa Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường” hay không. Hiện việc này đang quá trình xét trong khoảng 240 ngày, dự kiến đến tháng 7 là kết thúc.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc đáp ứng 6 tiêu chí để Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ lâu và được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.
Việt Nam đã thực hiện các cuộc cải cách kinh tế nhằm đáp ứng những tiêu chí mà Mỹ quy định, bao gồm: mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân…
Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích quốc tế, Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động của mình theo các tiêu chí trên tốt hoặc thường tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường. Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phân tích, được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ được giảm thuế, có thể khuyến khích các công ty Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tương tự, ông James Borton, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách đối ngoại Johns Hopkins/SAIS nói thêm, Việt Nam có thể hưởng nhiều lợi ích từ việc được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Cụ thể, việc này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá. Nếu thoát khỏi thuế chống bán phá giá, hoặc thuế đối với hàng xuất khẩu giảm đi đáng kể, sẽ giúp hàng Việt có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường Mỹ.
Ngược lại, người tiêu dùng Mỹ cũng được hưởng lợi, bởi họ sẽ được tiếp cận nguồn hàng hóa Việt Nam chất lượng với mức giá phải chăng. Từ đó, xuất khẩu tăng tốc, vị thế của Việt Nam cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn và mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ. Năm 2022, hơn 110 tỷ USD hàng hóa, từ điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị, đến đồ gỗ, hàng dệt may, nông thủy sản… đã được các nhà cung ứng xuất sang Mỹ. Năm 2023, chịu tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu, xuất khẩu sang Mỹ chỉ còn 97 tỷ USD, nhưng đây vẫn là thị trường nhập nhiều hàng Việt nhất.
Cập nhật quy định của thị trường mỹ
Theo ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) của phía Việt Nam, muốn được Mỹ thực sự công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam phải học thế giới những bộ luật, nhất là những lĩnh vực mà ở ta còn mới mẻ thì phải áp dụng luật lệ phổ quát của thế giới. Đồng thời, có lộ trình từng bước để hòa nhập, tiến sâu vào sân chơi chung.
Việc chưa được công nhận là kinh tế thị trường khiến hàng xuất khẩu của nước ta chịu không ít thiệt thòi, gặp nhiều rào cản hơn, nhất là trong các vụ việc phòng vệ thương mại, dễ bị áp mức thuế chống bán phá giá.
Quan trọng hơn, khi Mỹ “gật đầu”, tên tuổi của Việt Nam sẽ được không ít đối tác lớn trên thế giới, trong đó có thêm nhiều quốc gia đồng minh với Mỹ công nhận, mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Nhìn rộng ra, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có nghĩa, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước thực sự thông với thế giới. Dù vậy, theo VCCI, nhiệm vụ xuyên suốt của các doanh nghiệp là phải có chiến lược kinh doanh bài bản, chuẩn chỉnh trong mọi hoạt động để đi đường dài.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý, doanh nghiệp phải tìm hiểu và thường xuyên cập nhật quy định của thị trường Mỹ, lưu ý các quy định liên quan đến phòng vệ thương mại, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động...
Là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, có quan hệ thương mại với Mỹ từ vài chục năm nay, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc CTCP May 10 cho rằng, được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, thương mại sẽ công bằng hơn, có cơ hội đón dòng đầu tư từ Mỹ tốt hơn. Bài toán đặt ra với doanh nghiệp là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ nhà nhập khẩu. Đáp ứng được những tiêu chí này, lợi ích dài hạn sẽ rất lớn.
“Doanh nghiệp phải hướng tới khách hàng, liên tục cải thiện chất lượng hóa cũng như công nghệ sản xuất, coi trọng yếu tố môi trường, lao động… Đó mới là con đường để doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông Việt nói.