Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2016, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh sẽ chưa được trình ra Quốc hội xem xét. Văn bản này từng được kỳ vọng sẽ gỡ cho các doanh nghiệp điểm vướng việc nới room (tỷ lệ mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), nhưng đi sâu vào chi tiết sẽ thấy, con đường nới room cần một cách làm khác, chứ không phải tiếp tục chờ dự luật được thông qua.
Vì sao cần sửa Luật để tạo điều kiện cho Doanh nghiệp nới room?
Ngay từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp, các chuyên gia đã nhận thấy, để thúc đẩy việc nới room trở thành hiện thực, khung pháp lý cần gỡ khó ở cấp văn bản luật. Cụ thể, điểm mắc nhất trong triển khai Nghị định nới room nằm ở Luật Đầu tư khi quy định, các doanh nghiệp có sở hữu trên 51% vốn ngoại sẽ được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài. Điểm này, như góc nhìn của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là vướng ở chỗ: các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc, nếu nới room và nhà đầu tư ngoại mua đến 51% vốn trên TTCK, doanh nghiệp sẽ trở thành pháp nhân nước ngoài.
Thực tế, các doanh nghiệp niêm yết phải cân nhắc việc nới room và những quy định tại Luật Đầu tư vì quy định hiện hành cho phép khối ngoại mua đến 49% vốn của doanh nghiệp trên sàn. Ngưỡng 49% và 51% cách nhau quá nhỏ, nhưng địa vị pháp lý của doanh nghiệp lại có sự khác biệt lớn, bởi nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, nhiều thủ tục về thuế, về đầu tư, về tín dụng… sẽ phải thực hiện theo quy định của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, ông Dominic, Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đã nhận xét, chính sách nới room chưa đi vào thực tế. Đến nay, sau hơn 1 năm Nghị định 60/2015/NĐ-CP về nới room ra đời, TTCK mới chỉ có chưa đến 10 doanh nghiệp thực hiện nới room, một con số quá nhỏ so với trên 1.000 doanh nghiệp đang có cổ phiếu giao dịch trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh chỉ quy định thêm cho rõ, chứ không có quy định nào cho phép doanh nghiệp có vốn ngoại sở hữu trên 51% vẫn được đối xử như nhà đầu tư trong nước.
Để được nới room, các doanh nghiệp phải trải qua 2 lần cân nhắc. Lần một là khi phải “làm sạch” các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Một số doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đặc thù như dược phẩm, việc cắt bớt mảng phân phối là câu chuyện lớn, vì liên quan trực tiếp đến khả năng tạo nên lợi nhuận. Tại Domesco, để được chấp thuận mở room (cuối tháng 8/2016), Công ty đã phải công khai điều chỉnh ngành nghề kinh doanh theo hướng quy định rõ: Công ty bán buôn thuốc và các sản phẩm do Công ty sản xuất. Công ty không làm dịch vụ phân phối dược phẩm cho bên thứ ba tại Việt Nam.
Sau khi làm gọn ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp sẽ làm hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu được cơ quan này chấp thuận, cổng cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của doanh nghiệp trên TTCK sẽ được mở từ 49% lên 100%. Tại đây, doanh nghiệp phải cân nhắc điểm thứ hai là nới room, nếu tỷ lệ mua của khối ngoại vượt trên 51% thì doanh nghiệp sẽ được định danh là nhà đầu tư nước ngoài và chịu sự điều chỉnh của các luật về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài.
Chính vì phải trải qua 2 bước cân nhắc trên nên về pháp lý, Chính phủ đã cho phép nới room, nhưng rất ít doanh nghiệp chấp nhận việc nới room khi doanh nghiệp tính đến điểm lợi và bất lợi trong quyết định này.
Gỡ vướng nới room: cần tầm tư duy mới
Liên quan đến điểm vướng về tư cách doanh nghiệp tại ngưỡng 51% vốn ngoại nếu nới room trên TTCK, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh chỉ quy định thêm cho rõ, chứ không có quy định nào cho phép doanh nghiệp có vốn ngoại sở hữu trên 51% vẫn được đối xử như nhà đầu tư trong nước.
Cụ thể, Điều 23 Dự thảo Luật quy định, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chi phối là tổ chức kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau: có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Dự thảo Luật cũng quy định: “Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chi phối áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế mới; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế khác hoặc đầu tư theo hợp đồng BCC”.
Với thực tế trên, nếu dự luật được Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp tháng 10 thì câu chuyện nới room của doanh nghiệp trên TTCK vẫn còn nguyên điểm vướng ở tỷ lệ 51%. Không chỉ doanh nghiệp bị vướng, mà chính cơ quan quản lý TTCK cũng vướng ở tỷ lệ 51% khi hiện chưa có phương án nào giải tận gốc bài toán quản lý tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo chuỗi, nếu có nhiều doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài dao động quanh mốc 51% và bản thân các doanh nghiệp đó đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác trên TTCK.
Gỡ nút thắt nới room trên TTCK như thế nào, cho đến lúc này vẫn chưa có lời giải căn cơ. Việc nới room cho doanh nghiệp trên TTCK đến lúc cần một tầm tư duy mới, thay đổi cách làm, chứ không phải là tiếp tục chờ dự thảo Luật sửa đổi được thông qua.