Rộng cửa đón khách quốc tế

Rộng cửa đón khách quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đã có một chiến lược phát triển du lịch tham vọng và bây giờ là kế hoạch hành động cụ thể để thu hút du khách quốc tế.

Rào cản nội tại đang níu chân du lịch

Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2030, với các mục tiêu đầy tham vọng: Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, Việt Nam nằm trong Top 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, tổng thu từ khách du lịch đạt 130 - 135 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm và đón được ít nhất 50 triệu khách quốc tế và 160 triệu khách nội địa.

Chiến lược này được đưa ra sau một năm ngành du lịch thiết lập đỉnh cao mới. Năm 2019, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt người, nội địa 85 triệu lượt người. Tổng thu của ngành đạt 755.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP, trong đó, nguồn thu từ khách quốc tế chiếm đến 65% tổng nguồn thu.

Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành kế hoạch mới, ngành du lịch đã “đóng cửa” với du khách quốc tế do tác động của đại dịch Covid-19. Sau hai năm đại dịch, ngày 15/3/2022, Việt Nam đã khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Mặc dù là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch, nhưng chúng ta đã không tận dụng được lợi thế. Trong khi Thái Lan, Indonesia và Singapore đều đạt và vượt mục tiêu về khách du lịch quốc tế, Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, cách xa mục tiêu 5 triệu lượt đặt ra. Doanh thu du lịch chỉ khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương khoảng 1% GDP.

TS. Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch.
TS. Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch.

Thị thực (visa) đang là rào cản hiện hữu mà các chuyên gia du lịch, các nhà kinh tế cho rằng, cần sớm được cải thiện để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như mục tiêu đặt ra. Tại thời điểm mở cửa với du khách quốc tế, Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia, với thời hạn thị thực 15 ngày, thay vì 30 ngày như trước đây. Chính sách này gần như không thay đổi trong suốt thời gian qua.

Việt Nam có nền kinh tế mở hàng đầu thế giới với 17 hiệp định thương mại tự do, có tổng giá trị xuất nhập khẩu gấp đôi GDP và xuất khẩu đang mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế đất nước, tại sao chúng ta lại chỉ “hé” mà không phải mở rộng cánh cửa cho du khách quốc tế?

Kinh nghiệm khu vực và thế giới cho chúng ta một bức tranh hoàn toàn khác về độ mở quốc gia. Các nước trong ASEAN đều có chính sách thị thực thông thoáng hơn. Ví dụ, Thái Lan đang miễn thị thực cho 65 quốc gia với thời hạn thị thực 30, 45, 90 ngày. Thái Lan mới ban hành chính sách thu hút người giàu và “dân du mục kỹ thuật số” với thời hạn thị thực 5 - 10 năm. Các nước Liên minh châu Âu cấp thị thực Schengen theo nhu cầu du lịch của khách, thường là 90 ngày và cho phép ra vào nhiều lần. Trừ Anh, các nước châu Âu khác đều miễn visa nếu du khách đã có thị thực Schengen. Hoa Kỳ cấp thị thực 1 năm và có cơ chế gia hạn từng năm… Riêng Canada cấp thị thực lên đến 10 năm, tùy vào thời hạn hộ chiếu của du khách. Hầu hết các nước Trung Mỹ, Mỹ La tinh và Caribe miễn thị thực nếu du khách có thị thực vào Hoa Kỳ.

Cần kế hoạch hành động quyết liệt

Việt Nam rất cần một kế hoạch hành động quyết liệt để đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế, bao gồm các việc sau.

Thứ nhất, cần thay đổi tư duy làm du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần sự vào cuộc của cả lĩnh vực công và tư, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thiếu hoặc yếu một trong các mắt xích này, các mục tiêu chiến lược sẽ không đạt được. Ví dụ, du lịch là sự chào đón, là nụ cười, cởi mở và ân cần, nhưng từ khâu xin thị thực đã khó khăn về thủ tục, chi phí cao.

Mỗi người dân và doanh nghiệp phải là đại sứ du lịch. Đơn giản là không thể chấp nhận được chuyện chúng ta truyền thông và tổ chức hội chợ du lịch khắp thế giới, kêu gọi du khách đến Việt Nam nhưng lại bắt họ phải đối mặt với những khó khăn về thị thực, sân bay, taxi, phòng khách sạn, sự không an toàn hay thái độ của công chức, viên chức đại diện chào đón du khách, vứt rác bừa bãi, trộm cắp đường phố…

Thứ hai, cần một cơ quan đủ mạnh để điều phối ngành du lịch. Nhiều quốc gia có bộ du lịch. Chúng ta có Tổng cục Du lịch (sắp tới xuống thành Cục Du lịch) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhưng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, một dự án du lịch có thể dùng đến 2.500 sản phẩm, dịch vụ và có sức lan tỏa đến 40 ngành nghề khác trong nền kinh tế. Du lịch liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước, nhiều ngành, lĩnh vực nên cần trao nhiều thẩm quyền hơn cho Tổng cục Du lịch hoặc cần một cơ quan cấp cao hơn, có thẩm quyền lớn hơn để điều phối tổng thể.

Thứ ba, cần có sự phân công rõ trách nhiệm công, tư trong thực hiện chiến lược du lịch. Làm rõ việc gì Nhà nước làm, việc gì tư nhân làm để tối ưu hóa nguồn lực quốc gia.

Thứ tư, thông thoáng về thị thực. Về lâu dài, cần miễn thị thực cho hầu hết các quốc gia. Trước mắt, cần mở rộng diện miễn thị thực cho các nước thuộc thị trường trọng điểm và áp dụng e-visa (thị thực điện tử), on-arrival visa (thị thực tại cửa khẩu) cho các nước còn lại. Xem xét cho phép nhập cảnh với mục đích du lịch nếu du khách đã được phép nhập cảnh vào các nước thuộc diện miễn thị thực vào Việt Nam. Xem xét cơ chế phối hợp trong nội khối ASEAN trên cơ sở trụ cột hợp tác kinh tế và an ninh để khai thác thị trường du lịch chung, thị thực vào một nước có thể vào nước khác trong nội khối. Kéo dài thời hạn miễn thị thực và cấp thị thực lên 90 ngày theo thông lệ các nước trên thế giới và cho phép du khách vào nhiều lần. Xem xét xây dựng chính sách thị thực dài hạn 5 - 10 năm cho một số nhóm đối tượng du khách đặc thù như nhóm đầu tư mua bất động sản ngôi nhà thứ hai, hoặc du mục kỹ thuật số.

Thứ năm, cần một hình ảnh mới mẻ hoàn toàn về Việt Nam. Cần xây dựng một chiến lược tiếp thị, truyền thông thống nhất và hoàn toàn mới, từ slogan, video, hình ảnh về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tự nhiên, ẩm thực hấp dẫn nhất. Khắc phục tình trạng mỗi tỉnh, thành phố làm tiếp thị và truyền thông riêng rẽ, làm cho nguồn lực đã mỏng, còn bị phân tán. Tìm ra các điểm truyền thông cốt lõi cho tổng thể và từng thị trường, hướng đến các mục tiêu như du lịch, thương mại - dịch vụ, xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Ví dụ, các điểm cần tập trung truyền thông: Việt Nam là trung tâm mới của du lịch biển, an toàn; biển và bãi tắm biển Việt Nam hàng đầu thế giới; hệ thống khách sạn 4 - 5 sao quốc tế của Việt Nam hầu hết được đầu tư mới, hiện đại bậc nhất; giá cả rất cạnh tranh, bằng nửa so với đi du lịch Caribe đối với du khách châu Âu…

Người châu Âu thích đi du lịch Caribe hơn. Mặc dù khoảng cách đến châu Mỹ và châu Á tương đương với khoảng 12 tiếng bay nhưng đến châu Mỹ, người châu Âu cảm thấy như về nhà vì tương đồng về chính trị, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, dòng máu do các nước châu Mỹ đều từng là thuộc địa của Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Tuy vậy, chi phí đi châu Mỹ của du khách châu Âu cao hơn khoảng gần gấp đôi (trừ chi phí vé máy bay tương đương). Đây là điểm cộng và Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiện nghi và cập nhật trong nhóm dẫn đầu thế giới cũng như có ẩm thực ngon và phong phú như là quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê hàng đầu thế giới, hay món phở làm từ gạo ngon nhất thế giới.

Thứ sáu, giữ vững và mở rộng thị trường trọng điểm. Không nên đặt châu Mỹ là thị trường du lịch trọng điểm vì khoảng cách đến Việt Nam xa, chi phí cao trong khi họ có nhiều lựa chọn cạnh tranh ngay trong châu Mỹ. Về thiên nhiên, châu Mỹ có Caribe - một trong những trung tâm du lịch biển toàn cầu; nhiều thành phố biển rất đẹp như Miami, Hawaii (Mỹ), Cancun (Mexico), Rio De Janero (Brasil), Varadero (Cuba); rừng Amazon. Di sản thế giới, văn hóa lễ hội và ẩm thực cũng phong phú. Du khách có thể đi trú đông xuống Nam Mỹ và Hawaii, bang nhiệt đới nắng ấm với bãi biển đẹp nổi tiếng Waikiki. Vì thế, lượng khách châu Mỹ sang châu Á, trong đó có Việt Nam không nhiều (hiện chỉ có Mỹ là có lượng du khách đến Việt Nam nhiều nhất trong các nước châu Mỹ do đặc thù có cộng đồng Việt kiều hơn 3 triệu người thường xuyên về nước). Việt Nam cần tập trung giữ vững thị trường trọng điểm truyền thống là các nước Đông Bắc Á, châu Âu, Nga, Úc, New Zealand, nội khối ASEAN và mở rộng sang Ấn Độ, các nước Ả Rập…

Thứ bảy, xây dựng các chính sách phối hợp. Chính sách thu hút người về hưu, người giàu, người có kỹ năng và du mục kỹ thuật số đến Việt Nam du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi và làm việc; xây dựng chính sách ngôi nhà thứ hai để thúc đẩy du lịch, đầu tư và thương mại.

Thứ tám, tiếp tục xây dựng các công trình biểu tượng và các điểm check-in. Các thành phố lớn trên thế giới đều có điểm check-in là tên các thành phố, đặt ở những nơi công cộng như quảng trường, công viên… để người dân và khách du lịch chụp ảnh, ghi dấu ấn đã từng đến đó. Nhiều thành phố có các công trình biểu tượng như Golden Gate Bridge (San Francisco, Mỹ), quần đảo cây cọ (Palm Islands) và tháp Burj Khalifa (Dubai); các nước Mỹ La tinh ưa chuộng tranh đường phố graffiti; nhiều thành phố tạo thành các bức tranh đầy màu sắc bằng tranh vẽ, gạch mosaic hoặc gốm trên các dốc nhiều bậc để thu hút du lịch. Việt Nam cần quan tâm đến việc có các công trình biểu tượng thu hút du khách. Ví dụ, có thể biến các công trình hiện hữu như trang trí cầu Nhật Tân, Long Biên thành màu đỏ, da cam hoặc màu nào đó ấn tượng, phù hợp… và xây dựng các điểm để du khách đến check-in.

Thứ chín, cần xây dựng kinh tế ban đêm với các chính sách tương ứng để thu hút du khách đến, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn và quan trọng là đáp ứng nhu cầu của du khách. Ví dụ, châu Âu và Việt Nam lệch múi giờ 5 - 6 tiếng. Việt Nam 12 giờ đêm thì châu Âu mới 6 giờ tối. Nếu chúng ta không có kinh tế ban đêm, du khách sẽ làm gì? Họ đến để du lịch, chứ có phải để đi ngủ đâu? Paris, London, Amsterdam, Hamburg, Majorca, Ibiza, Toronto, Miami, Rio De Janero, Tokyo, Seoul, Hongkong, Bangkok, Singapore, Sydney… là các trung tâm thu hút du khách bằng kinh tế ban đêm trên toàn cầu mà Việt Nam có thể tham khảo.

Cuối cùng, Việt Nam cần có những sự kiện, lễ hội tầm cỡ quốc tế. Brasil hàng năm tổ chức lễ hội người gay thế giới với hàng triệu người tham dự. Năm 2022, lễ hội này tổ chức ở bãi biển thành phố Rio De Janero; Dubai có lễ hội mua sắm hàng năm thu hút hàng triệu du khách; lễ hội bia ở Munich (Đức) cũng rất thu hút du khách. Việt Nam cần nghiên cứu tổ chức thêm các lễ hội, hoặc sự kiện tầm thế giới như lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, thay vì hàng nghìn lễ hội nhỏ lẻ hiện có.

Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa chính trị, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, ẩm thực, mua sắm để cạnh tranh sòng phẳng thu hút du khách quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới nếu chúng ta thẳng thắn nhận diện những nút thắt, quyết tâm thay đổi tư duy làm du lịch và có kế hoạch hành động mới mẻ, quyết liệt với khát vọng Việt Nam trở thành cường quốc du lịch thế giới.

Tin bài liên quan