Quỹ ETF đầu tiên mô phỏng HNX30
“Từ đầu năm đến nay, nhiều quỹ mở ra đời đã giúp NĐT đa dạng hóa các kênh đầu tư. Tuy nhiên, hạn chế của quỹ mở là không có đặc tính như một cổ phiếu được niêm yết và giao dịch thuận lợi, nên chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của NĐT. Hạn chế này đang được khắc phục với quỹ ETF, khi chứng chỉ quỹ ETF không chỉ được giao dịch sơ cấp, mà cả thứ cấp. Đây là sự kết hợp hoàn hảo của đặc tính cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư, với chi phí thấp...”, bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM, chia sẻ tại Lễ giới thiệu quỹ ETF SSIAM HNX30, do SSIAM quản lý.
ETF SSIAM HNX30 sẽ tổ chức chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng từ ngày 27/10 - 21/11/2014. Thành viên lập Quỹ gồm 4 CTCK là: SSI, VCBS, VNDirect và BVSC. Mục tiêu lợi nhuận của ETF SSIAM HNX30 là bám sát tỷ lệ lợi nhuận của chỉ số HNX30 và không chủ động lựa chọn cổ phiếu dựa trên các nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, phân tích ngành và DN. Tùy từng thời điểm, Quỹ sẽ áp dụng phương pháp đầu tư mô phỏng toàn bộ, hoặc một phần rổ cổ phiếu HNX30 để giảm thiểu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.
Giải đáp câu hỏi được nhiều NĐT quan tâm, là tại sao SSIAM chọn HNX30 làm chỉ số tham chiếu cho Quỹ, ông Hải cho biết, đối với quỹ ETF, quan trọng nhất là tính thanh khoản của các cổ phiếu thành phần trong rổ chỉ số. Trong khi vòng quay thanh khoản của chỉ số HNX30 đạt tới 431%; tổng giá trị giao dịch trong 12 tháng/vốn hóa thị trường đạt 301%. Tất cả các mã cổ phiếu trong HNX30 đều thỏa mãn: vòng quay thanh khoản hơn 10%... Đến nay, ETF SSIAM HNX30 là quỹ đầu tiên và duy nhất mô phỏng chỉ số HNX30, nên Quỹ sẽ hạn chế được những vấn đề về thanh khoản như khi có nhiều quỹ cùng mô phỏng một chỉ số. Khi đó, các quỹ và thành viên lập quỹ phải cùng nắm giữ, cùng mua hoặc cùng bán các chứng khoán trong rổ chỉ số…
“ETF là kênh đầu tư trung gian giữa 2 kênh truyền thống là đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định (tiết kiệm) và đầu tư vào cổ phiếu. Trong khi đầu tư vào kênh có thu nhập cố định, lợi suất mà NĐT nhận được thường thấp, không thực dương so với diễn biến lạm phát, thì với kênh đầu tư vào cổ phiếu, nhiều NĐT không thắng được thị trường, nên tiềm ẩn rủi ro lớn. ETF là sản phẩm giúp NĐT cân bằng được lợi nhuận và rủi ro. Kênh đầu tư vào quỹ ETF, sẽ phổ biến và hiệu quả cho NĐT Việt Nam trong vài năm tới…”, ông Hải dự báo.
Mở ra giai đoạn phát triển mới cho TTCK
“Quỹ ETF là sản phẩm ưu việt khi kết hợp tính chất của cả quỹ đóng và quỹ mở. Sản phẩm này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư đa dạng của NĐT, góp phần phát triển cơ sở NĐT, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu TTCK...”, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phát biểu tại buổi lễ, đồng thời cho rằng, chiến lược đầu tư thụ động của NĐT sẽ góp phần làm thay đổi tập quán đầu tư, từ đó giảm thiểu rủi ro về thao túng thị trường khi đầu tư đơn lẻ... Đặc biệt, quỹ ETF mở ra giai đoạn phát triển mới cho TTCK trên 3 khía cạnh.
Thứ nhất, hoạt động của các công ty quản lý quỹ (QLQ), CTCK, các Sở GDCK và Trung tâm lưu ký (VSD) sẽ tập trung và xoay quanh vào trụ cột cốt lõi của TTCK là NĐT. Thay vì NĐT phải chủ động đầu tư, thì được quyền thụ động đầu tư. Thay vì thụ động cung cấp sản phẩm sẵn có, thì nay các tổ chức này năng động hơn khi được trao quyền tự thiết kế sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT.
Thứ hai, các tổ chức trung gian, các tổ chức vận hành thị trường sẽ phối hợp chặt với nhau, nhằm tạo ra hệ thống có tính thống nhất, chuyên nghiệp, tạo ra chuỗi dịch vụ phụ trợ để hình thành sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho NĐT.
Thứ ba, quỹ ETF là bước thử nghiệm hệ thống mới, chẳng hạn hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL)…, để chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm cao cấp mới trong thời gian tới như TTCK phái sinh.
“Quỹ ETF cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa, sự kiên định và sức bền của các tổ chức cung cấp dịch vụ, đồng thời cũng cần thời gian để NĐT làm quen với sản phẩm này. Để rút ngắn những thử thách đó, các CTCK, công ty QLQ nói chung, SSI nói riêng cần tổ chức các hội thảo trong và ngoài nước, để thu hút NĐT tham gia vào quỹ ETF...”, ông Long lưu ý.