Với vị trí cửa ngõ Thủ đô và nằm trong quy hoạch vùng Hà Nội, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản. Báo Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc xung quanh vấn đề này.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Vĩnh Phúc làm địa điểm đầu tư. Địa phương đã có những giải pháp nào để thu hút dòng vốn này?
Tính đến hết tháng 5/2016, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 217 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký gần 3,37 tỷ USD và 613 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký là 50.257 tỷ đồng. Vĩnh Phúc đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành TP. Vĩnh Phúc sớm theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên các lĩnh vực tỉnh kêu gọi đầu tư là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó quan tâm và ưu tiên cho các dự án về xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí cao cấp…
Ông Lê Duy Thành
Để thu hút các nhà đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư.
Cụ thể, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Vinh Phuc) được thành lập có nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, giám sát các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông; đồng thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo giải quyết. Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Tỉnh cũng tập trung vào “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, nghĩa là chăm sóc tốt các doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư và các doanh nghiệp này sẽ quảng bá giúp địa phương. Các cơ quan thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt kịp thời các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, tập trung giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho các nhà đầu tư đang có dự án tại tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng và duy trì hoạt động Cổng đối thoại doanh nghiệp - chính quyền để kịp thời tiếp nhận thông tin, trợ giúp cho doanh nghiệp, tạo niềm tin, uy tín thật sự với các nhà đầu tư.
Một yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và chất lượng nguồn nhân lực cũng được tỉnh tập trung phát triển trong thời gian qua…
Nhờ có những nỗ lực trên, đồng thời với nhiều giải pháp đồng bộ khác, nhất là tập trung làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến rõ rệt. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng nhanh, năm 2012 từ thứ 43/63, năm 2013 lên thứ 26/63, năm 2014 lên thứ 6/63, năm 2015 xếp vị trí thứ 4/63.
Ông nói tỉnh ưu tiên kêu gọi các dự án bất động sản. Vậy hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có những dự án bất động sản nào đáng chú ý và các dự án này tác động ra sao đến môi trường kinh doanh và diện mạo kinh tế của địa phương?
Các dự án về xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái… ở Vĩnh Phúc thời gian qua có tác động tốt tới kinh tế - xã hội của tỉnh. Chẳng hạn, Dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải, Dự án Hệ thống cáp treo Tây Thiên, Dự án Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc, Dự án Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Thủ đô…, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và ghi danh Vĩnh Phúc trên bản đồ bất động sản nghỉ dưỡng của cả nước.
Trong khi đó, các dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện… tạo ra động lực phát triển kinh tế, đô thị và các ngành dịch vụ khác của Vĩnh Phúc. Đặc biệt, Dự án Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn triển khai xây dựng, dự kiến khi hoàn thành, sẽ thu hút được 79 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD, tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới, thu nộp ngân sách hằng năm khoảng 5.000 tỷ đồng.
Vị trí cửa ngõ Thủ đô, nằm trong quy hoạch vùng Hà Nội có phải là một thuận lợi lớn cho Vĩnh Phúc? Những công trình hạ tầng lớn vừa hình thành tác động thế nào đến sự phát triển của bất động sản Vĩnh Phúc, thưa ông?
Đúng vậy. Đây là một thuận lợi lớn cho tỉnh Vĩnh Phúc, tạo điều kiện cho dự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút các nguồn lực đầu tư và dân cư về làm ăn, sinh sống tại địa phương. Trong tương lai, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, với lợi thế liền kề với Thủ đô, địa hình thuận lợi về xây dựng công nghiệp và kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại, ít chịu ảnh hưởng về thiên tai, thuận lợi về giao thông về cả đường bộ, đường hàng không, đường thủy.
Về thị trường bất động sản, có thể nói, những công trình hạ tầng lớn được xây dựng theo quy hoạch giao thông của cả nước, Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông được triển khai đã ảnh hưởng tích cực rõ rệt đến thị trường bất động sản Vĩnh Phúc. Cụ thể, với sự phát triển của hạ tầng giao thông, người dân làm việc tại Hà Nội có thể mua nhà tại Vĩnh Phúc, vừa có cuộc sống yên bình, trong lành, nhưng cũng không mất quá nhiều thời gian để đi làm và tới trung tâm vui chơi, giải trí.
Với hàng loạt dự án khu công nghiệp đã, đang và sẽ triển khai, sẽ thu hút một lượng lao động lớn từ trong và ngoài tỉnh, nhưng có vẻ như phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội đang bị "bỏ quên". Vĩnh Phúc có hướng nào để cải thiện tình trạng này?
Trên thực tế, Vĩnh Phúc đã có một số dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên như Khu nhà ở Bảo Quân, Khu nhà ở công nhân của Công ty Honda Việt Nam, đang triển khai thực hiện Khu nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Bá Thiện… Tuy nhiên, đúng là hiện phân khúc này chưa được chú trọng đầu tư đúng mức.
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phân khúc nhà ở giá thấp, tỉnh đã đưa ra nhiều hỗ trợ, ưu đãi về quy hoạch, chính sách, như cho phép chuyển một số dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; khuyến khích chủ đầu tư các dự án khu nhà ở mới, khu đô thị triển khai xây dựng trước nhà ở tại các khu đất nhà ở xã hội trong dự án; tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp xây dựng nhà ở công nhân; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn đầu tư theo quy định của Chính phủ khi đủ điều kiện…
Nói về công tác giải phóng mặt bằng, hầu như dự án lớn nào khi giải phóng mặt bằng cũng xuất hiện những vấn đề to nhỏ khác nhau, nhất là lợi ích của người dân và quyền lợi của nhà đầu tư đôi khi không gặp nhau. Đối diện với những vấn đề đó, Vĩnh Phúc giải quyết thế nào, thưa ông?
Đúng là trong thực tế, công tác này có một số vấn đề nổi lên. Mặc dù quy trình thực hiện đều phù hợp quy định của pháp luật, nhưng do một số nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, người dân đôi lúc còn tìm cách để đòi hỏi chế độ bồi thường, hỗ trợ cao hơn.
Chẳng hạn, người dân khi thấy quyền sử dụng đất của mình sau khi thu hồi chuyển cho doanh nghiệp thực hiện theo hình BT, sau đó khi doanh nghiệp triển khai dự án, đầu tư hạ tầng, bán lại với giá cao hơn nhiều, thì phản ứng.
Về vấn đề này, tỉnh chủ động và tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân rằng doanh nghiệp đã bỏ ra nhiều tiền để triển khai dự án BT, cũng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu đất, nên giá khác hơn so với đất nông nghiệp ban đầu. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, người dân đã hiểu ra và chấp hành, vì quyền lợi được giải quyết triệt để theo quy định.
Ngoài việc chỉ đạo các cơ quan ban ngành, chính quyền điạ phương cấp dưới vào cuộc vận động tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với cơ quan, địa phương tính toán chỉ trả đủ, đúng chế độ chính sách khi thu hồi đất. Nguồn thu từ doanh nghiệp được đầu tư trở lại một phần cho địa phương để đầu tư các công trình phúc lợi, thực hiện các chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề cho nhân dân vùng có đất thu hồi…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com