Kết quả của việc xóa bỏ vai trò độc quyền của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và cho phép các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài cùng tham gia đầu tư hạ tầng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông là giá dịch vụ viễn thông giảm đáng kể, trong khi chất lượng được cải thiện rõ ràng.
Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ thuê bao di động cũng như sử dụng internet của Việt Nam đã lọt vào nhóm cao nhất trên thế giới.
Diễn biến tương tự với ngành hàng không. Từ khi xóa bỏ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực vận tải hàng không, nhiều hãng hàng không mới ra đời; trong đó, có những hàng hàng không tư nhân đã vươn lên nắm bắt thị phần thống lĩnh như Vietjet.
Sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân đã tạo ra một thị trường vận tải hành không cạnh tranh mạnh mẽ, với giá dịch vụ ngày càng rẻ hơn, nhiều người dân tiếp cận với dịch vụ vận tải hàng không hơn trước kia.
Ở chiều ngược lại, báo cáo của CIEM cho thấy, ngành điện và đường sắt là hai ngành độc quyền nhà nước vẫn ở mức rất cao, khiến thị trường cạnh tranh khó có thể phát triển, bản thân doanh nghiệp thiếu động lực để lớn mạnh, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng, chết mòn.
Nghiên cứu của CIEM cho thấy, trong lĩnh vực điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có vị trí thống lĩnh thị trường. EVN chi phối hoạt động phát điện, độc quyền trong quản lý hạ tầng mạng lưới truyền tải điện và phân phối điện, dẫn tới thị trường điện cạnh tranh thực sự chưa thể phát triển tại Việt Nam.
Còn ở ngành đường sắt, chưa có sự độc lập, tách bạch giữa hạ tầng đường sắt với các hoạt động hạ nguồn (kinh doanh vận tải đường sắt), bởi thực tế, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gần như độc quyền quản lý toàn bộ ngành đường sắt.
“Do vẫn tồn tại việc doanh nghiệp vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông vận tải đường sắt, lại vừa kinh doanh vận tải nên có vị thế chi phối rất lớn, không tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, vẫn tồn tại phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt”, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế thuộc CIEM phân tích.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, chính sự độc quyền quá lớn này khiến doanh nghiệp thiếu hẳn động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Và đây cũng chính là khởi nguồn khiến ngành đường sắt lâm vào cuộc khủng hoảng rất lớn vì không thể cạnh tranh với ngành vận tải khác khi thị phần đang ngày một giảm.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, ngay kể cả trong hai ngành công nghiệp mạng lưới vốn được coi là cải cách mạnh mẽ nhất trong việc giảm độc quyền nhà nước là viễn thông và hàng không, vẫn còn tồn tại những tàn dư khá lớn của độc quyền khiến các doanh nghiệp cũng như chính ngành này vẫn chưa thực sự phát triển mạnh.
Ví dụ trong ngành hàng không, Nhà nước vẫn độc quyền quản lý và khai thác cảng hàng không. Toàn bộ 22 sân bay thương mại đang do doanh nghiệp nhà nước quản lý và khai thác nên giá dịch vụ cảng thiếu hợp lý, giữa các hãng hàng không tư nhân và nhà nước chi phối vẫn chưa có sự công bằng trong tiếp cận hạ tầng cảng hàng không. Thị trường vẫn bị thống lĩnh bởi các doanh nghiệp nhà nước đã tồn tại từ trước.
Trong ngành viễn thông, 3 doanh nghiệp nhà nước là VNPT, Mobifone và Viettel vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân khó tham gia cạnh tranh. Tuy chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, rút bớt cổ phần nhà nước, nhưng trong các doanh nghiệp thống lĩnh ngành, Nhà nước vẫn giữ lại số cổ phần chi phối khiến cho tiếng nói quyết định về những vẫn đề quan trọng của doanh nghiệp vẫn thuộc về cổ đông Nhà nước.
Để cải thiện tình trạng này, CIEM khuyến nghị Nhà nước chỉ nắm giữ độc quyền ở những khâu, công đoạn có tính độc quyền tự nhiên, để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp tới các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; đồng thời, phải có cơ quan quản lý, giám sát việc thực hiện độc quyền nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp mạng lưới, tách bạch các công đoạn khác, đảm bảo cạnh tranh ở hạ nguồn và thượng nguồn.
Theo đề xuất của CIEM, để xóa bỏ độc quyền ngành điện, cần tiếp tục cải cách theo đúng lộ trình, đảm bảo thị trường điện cạnh tranh có sự độc lập giữa các khâu sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện, tự do thỏa thuận giá cả với khách hàng; cần có những quy định để đảm bảo giá cả công bằng; cần có một cơ quan giám sát một cách độc lập ngành điện.
Đối với ngành đường sắt, thực hiện tách bạch giữa hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt; thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt và có cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng, đảm bảo cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh.