Số lượng cổ đông tham dự đại cổ đông thường niên 2024 của FPT vượt quá dự kiến, khiến Ban tổ chức phải bố trí thêm phòng họp phụ

Số lượng cổ đông tham dự đại cổ đông thường niên 2024 của FPT vượt quá dự kiến, khiến Ban tổ chức phải bố trí thêm phòng họp phụ

Rộn ràng đại hội cổ đông ngành công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 1.250 cổ đông đã tham gia đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần FPT. Giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua và triển vọng tích cực của ngành, của doanh nghiệp đã giúp đại hội cổ đông thường niên của FPT thu hút sự quan tâm của đông đảo cổ đông, nhà đầu tư.

Niềm vui sau một năm thành công

Đại hội cổ đông năm nay của FPT được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng cổ đông tham dự trực tiếp vượt quá dự kiến khiến Ban tổ chức phải bố trí thêm một phòng họp phụ bên cạnh phòng hội nghị chính, với sức chứa hàng trăm người tại toà nhà FPT.

Năm 2023 là năm ngọt ngào của cổ đông FPT, thị giá cổ phiếu đã tăng 41%, vượt trội so với mức tăng hơn 12% của chỉ số VN-Index. Với quy mô vốn hóa lớn, FPT nằm trong Top 5 cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến chỉ số chung.

Xu hướng đầu tư vào AI là làn sóng quan trọng kéo nhiều cổ phiếu công nghệ tăng nóng và chỉ số S&P 500 lên mức đỉnh cao thời đại. Làn sóng này cũng lan toả trên các thị trường chứng khoán toàn cầu. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, khi các cổ phiếu công nghệ tăng rất tích cực, đặc biệt là cổ phiếu đầu ngành như FPT.

Theo dữ liệu từ nền tảng ứng dụng Simplize, quý I/2024, trong khi chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng khoảng 13%, nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng khoảng 18%. Trong đó, nhóm viễn thông tăng hơn 11%; nhóm phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khoảng 19%. Trong đó, ghi nhận đà tăng nổi bật là cổ phiếu CTR (của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel), với mức tăng gần 40%; FPT tăng khoảng 20%; CMG (của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC) tăng khoảng 13%; ELC (của Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông ELCOM) tăng khoảng 10%. Không chỉ thế, trong tháng 3 và tháng 4/2024, cổ phiếu CTR và CMG còn liên tục nhận được sự quan tâm của giới đầu tư sau khi thiết lập những mức đỉnh lịch sử.

Kết quả kinh doanh 2023 của các doanh nghiệp trong nhóm cũng ghi nhận đà tăng trưởng cao. FPT duy trì mức tăng trưởng hai con số, với doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với năm trước đó, vượt nhẹ so với kế hoạch cổ đông giao phó, làm nền tảng vững chắc cho đà tăng của cổ phiếu FPT.

Không riêng FPT, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 rất tích cực. Đơn cử, ELCOM đạt doanh thu hơn 980 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước đó và vượt 15% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 84 tỷ đồng, tăng 150% so với năm 2022 và vượt 150% kế hoạch. Trong khi đó, CTR có một năm 2023 thành công, với doanh thu 11.399 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022 và vượt 10% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 515 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm trước đó và vượt 6% kế hoạch đề ra.

Những mục tiêu tham vọng

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu kinh doanh thì nhóm doanh nghiệp công nghệ trình cổ đông thông qua mục tiêu tăng trưởng tích cực trong năm nay.

Năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17,5% và 18,2% so với năm ngoái. Phát biểu trước cổ đông, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT khẳng định: “Thế giới đang chọn Việt Nam, thời khắc của chúng ta đã đến! FPT sẽ tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu ở cả khâu thiết kế và đào tạo nhân lực”.

Thời gian qua, Chính phủ khẳng định chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đang “để mắt” tới thị trường Việt Nam, điều này thể hiện qua chuyến viếng thăm của lãnh đạo Tập đoàn Nvidia, Apple; hay Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành dự án Nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD, LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử…

Ông Trương Gia Bình cho biết, từ khóa quyết định lịch sử của nhân loại trong thời gian tới đó là “Tuệ - Bán - Xe - Số - Xanh”, tức trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bán dẫn là một trong những lĩnh vực mà FPT sẽ tập trung đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2026, bên cạnh AI, Automotive Cloud.

Theo cập nhật của FPT, ước tính trong quý I/2024, Tập đoàn đạt doanh thu 11.681 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.121 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,1% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối Công nghệ (bao gồm mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% doanh thu và 43% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn.

Tại đại hội cổ đông, dự kiến diễn ra vào ngày 24/4, Hội đồng quản trị CTR sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu hợp nhất 12.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 671,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 4,1% so với mức thực hiện năm ngoái. Thông tin từ doanh nghiệp cho thấy, kết quả kinh doanh quý I/2024 tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, quý này, CTR đạt doanh thu 2.623,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 144,3 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 11% về doanh thu và 6% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Trong đó, mảng vận hành khai thác đóng góp tỷ trọng doanh thu cao nhất, với 1.375,4 tỷ đồng, chiếm 53%, tăng trưởng 3%. Đáng chú ý, mảng hạ tầng cho thuê của Công ty ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40%; mảng giải pháp và dịch vụ kỹ thuật ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 36%; xây lắp tăng 14%.

Các chuyên gia của SSI Research đưa ra dự báo tích cực về triển vọng lợi nhuận của CTR. Theo đó, CTR được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc đấu giá thành công băng tần của Viettel cho mạng 4G/5G. Tổng số trạm BTS Viettel Construction có thể đạt mức tăng trưởng 70% so với cùng kỳ trong năm 2024, nhờ hưởng lợi từ việc tắt dần sóng 2G và triển khai 5G. Điều này có thể hỗ trợ doanh thu mảng hạ tầng cho thuê tăng 53% so với cùng kỳ. Cùng đó, chuyên gia SSI Research kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2024 của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 16,4% so với năm trước nhờ sự hỗ trợ mạnh từ mảng xây dựng, vận hành khai thác và hạ tầng cho thuê.

Ngày 25/4 tới, ELCOM sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024. Theo tài liệu đại hội, Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất đạt 1.100 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 108 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích BSC, năm nay, ELCOM sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng và công nghệ thông tin cho ngành giao thông. Năm 2023, cả nước triển khai 3 hệ thống giao thông thông minh thì ELCOM đóng góp 2 dự án (Nha Trang - Cam Lâm, Diễn Châu - Bãi Vọt). Với việc chiếm lĩnh thị phần lớn, Công ty có thể tiếp tục hưởng lợi từ động lực tăng trưởng truyền thống này.

Tin bài liên quan