Nếu điều kiện kinh doanh không rõ, thì doanh nghiệp làm gì cũng rối

Nếu điều kiện kinh doanh không rõ, thì doanh nghiệp làm gì cũng rối

Rối ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Nếu không thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, bức tranh rối ren của ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện sẽ rất khó gỡ.

10 năm và 9 không

Hơn 1 kg giấy khổ A4 được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt lên bàn chủ tọa Hội thảo về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tổ chức hôm qua (24/7).

Đây là số lượng văn bản mà ông và các cộng sự trong Tổ biên tập Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thu thập được trong quá trình rà soát các quy định liên quan đến ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Ông muốn bổ sung thêm thực tế rối rắm trong các quy định liên quan đến ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hiện tại khi bức tranh về mớ bòng bong dây điện mà ông sử dụng trong bản trình bày của mình dường như chưa đủ thuyết phục.

“Ngành nghề kinh doanh cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh rối như mạng nhện, tháo thế nào cũng thấy rối. Cá nhân tôi đã làm công việc này mười mấy năm nay mà vẫn thấy tình hình như trước, thậm chí về mức độ rối rắm, thì có vẻ gia tăng”, ông Cung nói.

Điểm vẫn như trước mà ông Cung nhắc tới là nhận định 9 không, đó là không cụ thể; không rõ ràng; không hệ thống; không hợp ý; không minh bạch; không tiêu liệu trước được; không hiệu quả và không hiệu lực.

Phân tích một số ngành nghề thuộc danh mục cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện, các yếu tố thuộc nhóm 9 không này khá rõ. Ví dụ, trong danh mục cấm kinh doanh có ghi cấm kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan…; các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, có hại tới giáo dục, nhân cách của trẻ em… “Tuy nhiên, để đánh giá cụ thể thế nào là phản động, đồi trụy, là nguy hiểm… thì rất cảm tính, tùy theo chủ quan của từng người. Điều này gây rủi ro vô cùng cho người kinh doanh”, ông Cung nói.

Đó là chưa kể có sự không chính xác, không hợp lý trong phân định lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh, như việc cấm xây dựng trong khuôn viên các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia… đáng lẽ nên quy định là điều kiện trong giấy phép xây dựng, chứ không phải là lĩnh vực cấm đầu tư…

“Trong 14 năm qua, qua hai lần xây dựng và sửa đổi Luật Doanh nghiệp cho thấy, mỗi lẫn các vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh được tháo gỡ, cơ hội kinh doanh sẽ lớn mạnh. Đây là lần để các bộ, ngành phải vào cuộc để tháo gỡ mớ bòng bong này”, ông Cung khuyến nghị và chủ quan cho rằng, có thể cắt giảm tới 1/4 số ngành nghề đầu tư, kinh doanh thuộc diện cấm, hạn chế, có điều kiện hiện nay.

Nút thắt tư duy nhà quản lý

Câu hỏi liệu các bộ, ngành có sẵn sàng đổi mới tư duy và sẵn sàng thay đổi để chấm dứt tình trạng 9 không của các quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay có công khai được danh mục này một cách rõ ràng hay không được nhiều người đặt ra.

Tuy nhiên, câu trả lời vẫn đang để ngỏ.

Trong cuộc làm việc với đại diện một số cơ quan về cải cách thủ tục hành chính trong thuế, hải quan, ông Olin McGill, chuyên gia USAID - GIG đặt thẳng vấn đề, với những thủ tục không có hiệu quả, không có hiệu lực thực tế, thì nên bỏ đi, chứ không nên sửa sang. Vì điều đó có nghĩa thực tế không cần những thủ tục đó.

Tuy nhiên, trong nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cũng như các vấn đề liên quan đến đầu tư kinh doanh, câu hỏi gần như đầu tiên của các bộ, ngành đưa ra mỗi khi ban soạn thảo đề nghị cắt giảm thủ tục thường là “thế quản bằng cái gì”. Thậm chí, có nhiều bộ đề nghị bộ kia cấp phép cho doanh nghiệp để bộ mình làm cơ sở cấp phép tiếp.

Trong khi đó, vấn đề lớn hơn trong việc xây dựng danh mục các điều kiện này lại thường ít được đề cập, đó là các câu hỏi tại sao lại cấm, hạn chế kinh doanh; cấm, hạn chế nhằm mục đích gì và cần giới hạn phạm vi thế nào…

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), những quy định và tư duy này đang làm giảm cơ hội kinh doanh, tăng cơ chế xin cho. Làm cho việc tiến tới cơ hội kinh doanh quá vất vả và nhiều người bỏ lửng.

“Trong bối cảnh cần có sự thay đổi để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, yêu cầu các cơ quan quản lý thay đổi tư duy về quản lý doanh nghiệp là điểm mấu chốt để gỡ các nút thắt hiện tại”, ông Tuấn nói.

Đặc biệt, kỳ vọng về một đợt cải cách mạnh mẽ về điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh đang được các chuyên gia sửa đổi Luật Doanh nghiệp dấy lên. Ông Cung cho rằng, sau một thời gian phát triển, thị trường dường như đã bị phân chia với những lợi ích, cơ hội được phân định khá rõ ràng.

“Việc thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước sẽ tạo nên sự phân bổ lại nguồn lực, động lực kinh doanh và khi đó, địa kinh doanh sẽ tăng lên”, ông Cung nói.

Tin bài liên quan