Rối mắt trước rừng quy định với nhà ở xã hội

Rối mắt trước rừng quy định với nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu của người dân đối với phân khúc nhà ở xã hội là rất lớn, song không phải ai cũng có thể sở hữu được căn nhà này.

Ai được mua?

Trong Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Số lượng người có thu nhập thấp đang “khát” nhà là rất lớn. Chỉ tính riêng TP.HCM, hiện có hơn 388.000 người có nhu cầu. Chưa kể, theo số liệu báo cáo cuối năm 2022 của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, có hơn 1.200 cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang đang phải ở tại đơn vị; hơn 100.000 công chức, viên chức đang phải đi thuê trọ hoặc ở trong những căn nhà chật hẹp, không đảm bảo diện tích trên 10 m2/người...

Hay như tại Đồng Nai - địa phương có nhiều khu công nghiệp, số liệu từ Sở Xây dựng cho thấy, có khoảng 410.000 người muốn mua nhà ở xã hội, nhưng trên địa bàn chỉ có 13 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đã và đang triển khai với tổng số 10.700 căn. Đến nay, tỉnh Đồng Nai mới hoàn thành 3.500 căn…

Điều này cho thấy, phân khúc nhà ở xã hội sẽ không lo bị “ế”, trong trường hợp chủ đầu tư bí tiền thì có thể triển khai xây dựng rồi huy động dòng tiền từ người mua nhà. Thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch làm nhà ở xã hội đều cho rằng, tuy số lượng người có nhu cầu rất lớn, nhưng không phải ai cũng đáp ứng đủ điều kiện để mua, nên doanh nghiệp không thể tiên lượng được số lượng khách hàng của mình.

Theo quy định, những người được mua nhà xã hội gồm: người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn và đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị; lao động tại khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị công an, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường… Trong đó, điều kiện để trở thành “người thu nhập thấp” ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, điều kiện trên rất lỗi thời. Tiêu chí xác định thu nhập thấp đang áp dụng chưa tính đến tỷ lệ chi phí trả cho ngôi nhà trên tổng thu nhập hộ gia đình. Trong khi giá nhà ở xã hội đã tăng gấp đôi sau 5 năm, còn khung thu nhập dưới thuế vẫn giữ như 8 năm trước, dẫn đến việc người mua nhà phải chi trả quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng.

Công nhân khó tiếp cận

Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất TP.HCM chia sẻ, khi nghe thông tin Nhà nước triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, công nhân mua nhà ở xã hội, cán bộ công đoàn rất vui. Tuy nhiên, công nhân rất khó tiếp cận. Hỏi thì ngân hàng đề nghị công nhân ra tận nơi để tìm hiểu.

Bên cạnh đó, theo bà Vân, gói vay không phù hợp với đại đa số công nhân, bởi 75% công nhân làm việc trong khu chế xuất là người ngoài tỉnh. Trong khi đó, một căn hộ nhà ở xã hội giá 1-1,6 tỷ đồng, công nhân phải trả trước 50%. Nếu áp quy định chỉ người thu nhập thấp, dưới mức chịu thuế mới được xét mua nhà xã hội thì những người này lấy nguồn ở đâu tích lũy tiền để trả trước. Chưa kể, 50% số tiền còn lại được vay lãi suất 8,2% mỗi năm là quá cao.

Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy, những người muốn tiếp cận nhà ở xã hội đều có câu trả lời rằng, khó khăn lớn nhất với họ là không đáp ứng đủ các điều kiện hiện nay. Có không ít trường hợp đủ điều kiện về thu nhập, nhưng vẫn bị loại từ vòng hồ sơ do không đủ điều kiện về cư trú. Bởi một trong những giấy tờ cần có trong hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội là phải đăng ký tạm trú 1 năm trở lên tại địa phương có dự án. Trước đây là sổ tạm trú (KT3) và nay là xác nhận thông tin cư trú.

“Dữ liệu dân cư liên thông hết rồi mà thủ tục vẫn rất phức tạp. Tôi không hiểu sao lại phải đặt giới hạn 1 năm trong khi người đi thuê nhà đương nhiên thuộc nhóm tạm trú. Chưa kể, khi hai chị em cùng gia đình lên thành phố làm việc và thuê trọ, đăng ký tạm trú cùng nhau. Nhưng khi đăng ký mua nhà ở xã hội thì chỉ có một người được duyệt, người kia bị loại”, chị Lê Thị Nghĩa, 30 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức chia sẻ.

Từ thực tế trên cho thấy, việc phát triển dự án nhà ở xã hội còn rất nhiều gian nan. Để hiện thực hóa mục tiêu và rút ngắn khoảng cách cung - cầu, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được tháo gỡ, trong đó có cả những điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận với căn nhà hơn.

Tin bài liên quan