Rời diện cảnh báo, 4 cổ phiếu sản xuất có hấp dẫn?

Rời diện cảnh báo, 4 cổ phiếu sản xuất có hấp dẫn?

UNI, KTT, VHH và NAG là những cổ phiếu sản xuất hiếm hoi thoát khỏi diện cảnh báo do khắc phục được tình trạng lỗ của năm 2011.

Trên sàn HNX, song hành với kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2012 đã được soát xét đến 31/8, đã có 33 cổ phiếu bị bổ sung vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ vì chuyển từ lãi sang lỗ. Ngược với dòng trên, cũng có những cổ phiếu được thoát khỏi diện cảnh báo nhờ có lãi.

Lũ lượt ra khỏi diện này là các cổ phiếu chứng khoán vì chỉ số chứng khoán đã tăng so cuối 2011. Cổ phiếu phi chứng khoán khá hiếm hoi khi mới chỉ có 5 đơn vị, bốn trong số đó là những nhà sản xuất: UNI, KTT, VHH và NAG.

 

 

UNI - CTCP Viễn Liên - đơn vị sản xuất ngành viễn thông, đã có lãi hơn 17 tỷ trong 6 tháng 2012. Tuy nhiên, cơ hội đến với nhà đầu tư hiện nay gần như không còn vì thị giá cổ phiếu đã tăng gấp hơn 2 lần, từ khoảng 3.600 đồng tại thời điểm lỗ đến hiện nay khoảng hơn 8.000 đồng.

Mặt khác, cơ hội kinh doanh lãi của đơn vị không cơ bản, tức không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính mà là từ việc hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán của 1.755.000 cổ phiếu SSI khi thị giá SSI biến động từ 13.700 đồng lên 20.800 đồng trong 6 tháng đầu 2012 (hoàn nhập mang lại hơn 15 tỷ đồng lợi nhuận).

Bên cạnh đó, báo cáo soát xét cũng lưu ý nhiều vấn đề, đồng nghĩa với những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra. Đơn vị đã chuyển cho một cá nhân 33,5 tỷ đồng, tương đương 35,36% vốn chủ sở hữu mà không kèm tài sản đảm bảo.

Tuy kiểm toán không lưu ý nhưng báo cáo tài chính thể hiện đơn vị đã "trả trước cho người bán" hơn 90 tỷ đồng mà danh sách chỉ liên quan đến đất đai, không hề quan hệ với sản xuất viễn thông vào thời điểm "sốt bất động sản" 2010.

Và đến tháng 8 này, đơn vị đến hạn 50 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Nếu phải trả tiền cho trái chủ, đơn vị phát sinh chi phí trả lãi 10 tỷ đồng, ngoài ra, sẽ khó khăn khi cân đối nguồn tiền trả vì số cổ phần SSI đơn vị đã cầm cố, tài sản cố định có giá trị sổ sách chưa tới 2 tỷ đồng, tiền mặt không đáng kể, tồn kho chủ yếu là sản phẩm dở dang với giá trị chỉ hơn 17 tỷ đồng.

 

KTT - CTCP Đầu tư Thiết bị và Xây lắp điện Thiên Trường - là nhà xây lắp điện tại Nam Định, có lãi vỏn vẹn 27,5 triệu đồng, khác với lỗ 191 triệu của 2011 nên được đưa ra khỏi diện cảnh báo.

Bảng cân đối tài chính thể hiện đây là đơn vị chỉ hoạt động mảng sản xuất chính, không dính vào chứng khoán, bất động sản, nợ không đáng kể. Hoạt động của công ty lệ thuộc nhiều vào đầu tư công nên khó khăn của 2011 làm công ty lỗ một ít, nay bớt khó khăn nên có chút lãi.

Công ty vẫn hoạt động bình thường, doanh thu 6 tháng là hơn 14 tỷ đồng, bằng 50% vốn chủ sở hữu và Kiểm toán viên không có lưu ý gì đến người đọc về báo cáo tài chính.

Tháng 8/2011, KTT trả cổ tức bằng cổ phiếu 15%, công ty đã không trả thù lao HĐQT và BKS năm 2011 vì đơn vị không có lãi. Hiện nay, thị giá cổ phiếu chỉ khoảng 3.000 đồng (tương đương 30% giá trị sổ sách và tăng không đáng kể so thời điểm thấp nhất). Đây là cổ phiếu penny không sợ rủi ro bị hủy niêm yết do thua lỗ nhưng vì vốn điều lệ nhỏ (28,5 tỷ đồng) nên thanh khoản thấp, có lúc kiệt thanh khoản. Vì thế, chỉ có thể là xem xét cơ hội cho những nhà đầu tư nhỏ, chấp nhận nắm giữ cổ phiếu dài ngày, chờ cơ hội đơn vị khởi sắc trong kinh doanh khi đầu tư công gia tăng.

 

VHH – CTCP Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế - là đơn vị xây dựng tại Cố đô Huế. Công ty đã có lãi sau thuế hơn 1.6 tỷ đồng trong 6 tháng 2012 nên được đưa ra khỏi diện cảnh báo (cuối 2011 đơn vị có lợi nhuận âm hơn 2 tỷ đồng).

Ngoài hoạt động xây lắp tại nhiều dự án địa phương, đơn vị có dự án cao ốc, văn phòng, siêu thị tại aố 2 Nguyễn Tri Phương - Huế (đã đầu tư hơn 62 tỷ đồng), trạm trộn bê tông, kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Vì thế, đơn vị vẫn có doanh thu đáng kể (hơn 28 tỷ đồng) trong hoàn cảnh bất động sản đóng băng.

Công ty không vay nợ lớn và có chuẩn mực trong sử dụng vốn vì các dự án, tài sản cố định như dự án cao ốc, trạm trộn bê tông, xe bồn đều có vốn vay dài hạn tham gia, khác với nhiều đơn vị đã sử dụng vốn ngắn hạn.

Kiểm toán đã không đưa ra lưu ý gì với người đọc. Đây là đơn vị bất động sản ít gặp rủi ro trong tình trạng đóng băng nhưng có thể hưởng lợi khi khởi sắc. Vì vốn điều lệ thấp (60 tỷ đồng) nên VHH có thanh khoản khá thấp nhưng bù lại, thị giá chỉ khoảng 35% giá trị sổ sách nên có thể là cơ hội xem xét đối với những nhà đầu tư nhỏ yêu thích cổ phiếu bất động sản.

Một điểm cần lưu ý là lợi nhuận 6 tháng 2012 được mang lại từ nghiệp vụ kinh doanh bất động sản của công ty, một nghiệp vụ không thường xuyên. Những nghiệp vụ kinh doanh thường xuyên vẫn lỗ, trừ trạm trộn bê tông.

 

NAG - Cty cổ phần Nagakawa - là một nhà sản xuất máy điều hòa nhiệt độ tại Vĩnh Phúc có vốn điều lệ 148 tỷ đồng. HĐQT nắm khoảng 53% cổ phần nên có nhiều tâm huyết với công ty (thành viên HĐQT dùng nhà riêng thế chấp liên đới để công ty vay nợ ngân hàng).

Năm 2011, NAG bị đưa vào diện cảnh báo vì số dư lợi nhuận trên bảng cân đối âm hơn 12 tỷ đồng. Bên cạnh việc lệ thuộc vào thị trường bất động sản (trang bị điều hòa nhiệt độ chung cư), đơn vị vẫn còn thị trường gia dụng nên vẫn có doanh thu. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đơn vị lãi 2,5 tỷ đồng và đã rời khỏi diện cảnh báo. NAG đã chuyển từ lỗ sang lãi nhờ hai nhân tố ảnh hưởng xấu lên hiệu quả 2011 “đổi chiều” khi bước qua năm 2012 - đó là thời tiết và giá cả hàng hóa cơ bản. Một năm 2011 lạnh làm doanh thu công ty thấp và một năm 2012 nóng đã làm doanh thu cao.

Quý II/2012, doanh thu công ty NAG mẹ đạt 119 tỷ đồng, bằng 124% cùng kỳ. Nhìn vào máy điều hòa nhiệt độ, nhà đầu tư dễ nhận ra nguyên liệu sản xuất gồm kim loại đồng, nhôm, thép và plastic, đều là những hàng hóa cơ bản, có giá rất cao trong năm qua nhưng nay đã giảm khoảng 20% theo khó khăn kinh tế toàn cầu. Vì thế, tỷ lệ lãi gộp trên giá vốn của NAG mẹ đã tăng từ 20% vào năm trước lên 25% vào quý 2/2012.

NAG chủ trương chỉ trả thù lao HĐQT khi đơn vị có lãi với tỷ lệ không quá 2% lợi nhuận. Công ty cũng nỗ lực tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp từ 10,1 tỷ đồng trong cùng kỳ xuống còn 6,1 tỷ đồng vào bán niên 2012.Tuy lợi nhuận âm hơn 8 tỷ đồng nhưng NAG vẫn còn thặng dư vốn cổ phần, quỹ dự phòng và quỹ phát triển sản xuất. Kiểm toán cũng không đưa ra lưu ý gì với công ty.

Là cổ phiếu penny có thị giá chỉ bằng 35% giá trị sổ sách, nhưng vì thanh khoản thất thường và có lúc kiệt thanh khoản, NAG chỉ nhận được sự quan tâm nhỏ của những nhà đầu tư chấp nhận thời gian nắm giữ cổ phiếu dài ngày. Hy vọng thấm dần theo thời gian, những nỗ lực cải tổ của công ty và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ mang lại những hiệu quả nhất định cho một nhà sán xuất hàng hóa trong nước.