Ở Hà Nội, nhiều chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ dự án để vay vốn nên từng người mua căn hộ đó không thể lại tiếp tục đi thế chấp tài sản đó được

Ở Hà Nội, nhiều chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ dự án để vay vốn nên từng người mua căn hộ đó không thể lại tiếp tục đi thế chấp tài sản đó được

Rối chuyện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

Ngày 26/12, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn đối thoại về đăng ký giao dịch bảo đảm lần thứ nhất. Vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu là việc nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Ông Vũ Khánh Din, Phòng Pháp chế Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, cho hay: Việc nhận tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 163/2006 về giao dịch bảo đảm nhưng thực tế việc nhận thế chấp này vẫn gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Din lý giải, theo Luật Nhà ở thì giao dịch thế chấp nhà ở đòi hỏi phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Mặt khác, Điều 5 Luật Công chứng yêu cầu công chứng viên phải chứng nhận “đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật”, dẫn đến việc nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai bị từ chối công chứng trong nhiều trường hợp do bị hiểu là “không có thật” hoặc “chưa có thật”.

 

“Việc không công chứng được hợp đồng thế chấp cũng đồng nghĩa với việc không được đăng ký giao dịch bảo đảm, ngân hàng không giải ngân được và khách hàng cũng không vay được vốn” - ông Din nói.

 

Trong khi đó, ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký nhà, đất Hà Nội, khuyến cáo: Nhà chung cư khi đang xây dựng hoặc tương lai sẽ xây dựng chưa phải là tài sản của người đăng ký mua mà thuộc về chủ đầu tư.

 

“Chủ đầu tư mang tài sản đó đi thế chấp thì được, còn từng người mua căn hộ chỉ có quyền thế chấp quyền mua căn hộ. Ở Hà Nội, nhiều chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ dự án để vay vốn nên từng người mua căn hộ đó không thể lại tiếp tục đi thế chấp tài sản đó được” - ông Khang khẳng định.

 

Các đại biểu cũng chỉ ra một thực tế: Theo quy định, chủ đầu tư và người mua chung cư sẽ đăng ký thế chấp tại hai cơ quan khác nhau (chủ đầu tư đăng ký tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, còn cá nhân mua căn hộ đăng ký thế chấp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện). Do hệ thống đăng ký chưa có sự liên thông với nhau nên cơ sở dữ liệu giữa hai cấp chưa có sự thống nhất.