Thêm đội quân robot
Nhìn lại năm 2019, bức tranh cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán Việt Nam có yếu tố mới, khi trong đội quân môi giới ở các công ty chứng khoán ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt… robot. Cuộc chạy đua trong chiêu mộ “nhân sự” robot trở nên nóng rõ rệt trong năm qua.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) tỏ ra mạnh tay trong gia tăng đội quân đặc biệt này, khi chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp bổ sung nhiều robot vào mảng dịch vụ chứng khoán.
Theo đó, ngay đầu tháng 1/2019, BSC giới thiệu với cộng đồng nhà đầu tư robot mang tên i-Broker.
Là sự kết hợp giữa ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích truyền thống của BSC, i- Broker là hệ thống tư vấn đầu tư thông minh dưới hình thức trò chuyện trực tuyến với khách hàng.
Ba tháng sau đó, vào tháng 4/2019, BSC tiếp tục ra mắt sản phẩm quản lý đầu tư thông minh BSC i-Invest.
Cũng chỉ ba tháng sau, BSC đã đưa hệ thống robot tư vấn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và truy cập thông tin cho sản phẩm chứng khoán phái sinh mang tên iBroker phái sinh.
Một công ty chứng khoán khác gia nhập xu hướng sử dụng robot trong cung cấp dịch vụ phải kể tới là Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Giữa năm 2019, TVSI đã đưa robot tư vấn đầu tư chứng khoán Investment Robot Adviser - IRA vào hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
IRA là hệ thống robot khuyến nghị đầu tư tự động với nhiều thuật toán phân tích kỹ thuật chuyên sâu để tính toán, đưa ra các khuyến nghị mua/bán.
Ngoài một công cụ lọc bước đầu trước khi theo dõi chi tiết đồ thị cổ phiếu, IRA hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện mua/bán theo xu hướng.
IRA sẽ khuyến nghị ngay khi mã cổ phiếu phát tín hiệu giao dịch theo phân tích kỹ thuật…
Là công ty sử dụng đội quân robot vào thời điểm sớm nhất trên thị trường, sau nhiều năm đưa vào sử dụng Robo-advisor TCWealth hỗ trợ cho cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu tư, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) liên tục tái cấu trúc, xây mới hệ thống hạ tầng công nghệ hướng nền tảng mở (Open Platform) và Microservices, các kênh kỹ thuật số (Digital Channels) trong tiếp cận và tương tác với khách hàng.
Cùng với áp dụng công nghệ progressive và hybrid mobile để phát triển cung cấp dịch vụ, việc tự động hoá các quy trình vận hành thông qua nền tảng BPM (Business Process Managemnet) cũng được Công ty chú trọng nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động...
Tham vọng của TCBS là trở thành một công ty Fintech hàng đầu tại Việt Nam với giá trị vốn hóa tỷ USD trong năm 2020.
Từ những chuyển động trên, ý kiến từ các công ty chứng khoán, công ty Fintech cho rằng, đội quân robot sẽ ngày thêm đông đảo trên thị trường trong bối cảnh các công ty chứng khoán không ai muốn chậm chân trong sử dụng công nghệ như là một yếu tố tạo ra ưu thế cạnh tranh trong thu hút khách hàng.
Robot khó thay thế hoàn toàn con người
Thực tế cho thấy, nhiều công việc trước đây các nhân viên môi giới hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình đầu tư đang dần được robot đảm đương thay như xây dựng và phân bổ danh mục đầu tư, khuyến nghị thời điểm đầu tư, tổng hợp thông tin về xu hướng thị trường…
Tuy nhiên, ý kiến từ các chuyên gia công nghệ, cũng như các công ty chứng khoán đều có chung nhận định khó có chuyện robot “đuổi việc” nhân viên môi giới.
“Với khả năng cung cấp được dịch vụ, sản phẩm cho nhiều nhà đầu tư nhưng hệ thống công nghệ vẫn cho phép cá thể hóa dịch vụ đến từng nhà đầu tư cụ thể thông qua trải nghiệm người dùng (UI/UX) hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp…
Công nghệ quan trọng là vậy, nhưng yếu tố số 1 vẫn là con người. Công nghệ dù sao vẫn chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ đắc lực cho người vận hành nó”, một lãnh đạo phụ trách mảng phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ cho khối dịch vụ chứng khoán của CTCP Giải pháp phần mềm tài chính (FSS) chia sẻ.
Tương tự, chuyên gia ở BSC nhìn nhận, các robot khó có thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người, bởi đội quân robot thông minh, nhưng lại hoạt động theo các chương trình do con người cài đặt và không thể chia sẻ những cảm xúc với nhà đầu tư.
Vai trò của robot trong tư vấn đầu tư chứng khoán sẽ ngày càng phổ dụng hơn trong thay con người đảm đương một số mảng trong cung cấp dịch vụ.
Ở đó, các nhân viên môi giới sẽ tương tác nhiều hơn với các robot trong quá trình tác nghiệp.
Bởi vậy, để không bị robot “lấn sân” trong công việc, nhân sự hành nghề chứng khoán hẳn cần “giắt lưng” một lượng kiến thức đáng kể về xu hướng sử dụng robot trong cung cấp dịch vụ chứng khoán trên thế giới cũng như ở Việt Nam, làm chủ công nghệ phát triển và sử dụng robot trong cung cấp dịch vụ.
Họ cũng cần thành thạo cách tương tác, phối hợp với robot làm việc trong một môi trường cung cấp dịch vụ chứng khoán thời cách mạng công nghiệp 4.0.