Thế mạnh của các doanh nghiệp SCIC bán vốn
Chia sẻ tại buổi roadshow, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BMP cho biết, từ cuối 2016 đến nay giá nguyên vật liệu cơ bản tăng 8-9% so với bình quân của 2016, tăng 13% so với cùng kỳ.
Mặt khác, trong 3 năm trở lại đây, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn dẫn đến nguồn cung tăng đột biến. Mỗi doanh nghiệp đều có chiến lươc riêng gia nhập và gia tăng thị phần và hầu hết lựa chọn con đường tăng chiết khấu. Trong đó, BMP cũng đã thực hiện hiện chiết khấu trong năm 2017, một điều mà Công ty chưa làm trong 12 năm trước đó.
Cũng theo ông Ngân, trong tương lai các doanh nghiệp sẽ tiếp tục điều chỉnh để đảm bảo thị phần. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ không cao như trước đây, chỉ 3,5-5%.
Về kế hoạch kinh doanh, ông Ngân cho biết, giai đoạn 2016-2020, BMP đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và sản lượng bình quân 10%/năm. Riêng trong năm 2018, BMP dự kiến doanh thu 4.050 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 560 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp ngành nhựa khác cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong buổi roadshow là NTP.
Theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT NTP, bên cạnh những nguyên liệu tăng giá cũng có nguyên liệu giảm. Do đó, NTP đã đề ra chiến lược dự trữ và với việc đánh giá, dự báo đúng diễn biến khiến Công ty giữ được hiệu quả.
Ngoài ra, NTP còn tranh thủ năng lực và công nghệ sản xuất đã cử người sang Nawaplastic (cổ đông ngoại đã thoái vốn tại NTP) để học tập kinh nghiệm. Sau khi Seikisui (Nhật Bản) tham gia vào, NTP tiếp tục tận dụng thế mạnh mà nhà sản xuất nhựa hàng đầu của Nhật Bản này về công nghệ và sản phẩm mới.
Đại diện NTP cho biết, ước 10 tháng đầu năm, NTP đạt 3.762 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 77% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế 352 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và đạt 77% chỉ tiêu đề ra.
Dự kiến cả năm, NTP ước doanh thu đạt 4.562 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 439 tỷ đồng, đạt lần lượt 93% và 95% kế hoạch đề ra trong năm.
Định hướng giai đoạn 2018-2021 doanh thu, lợi nhuận trước thuế của NTP tăng trưởng lần lượt 10% và 7% mỗi năm. Năm 2018, NTP đặt doanh thu 5.430 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng; lợi nhuận trước thuế 486 tỷ đồng, tăng 7%.
Theo bà Lương Thị Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DMC, không có đại diện của cổ đông ngoại CFR International SPA tham gia buổi roadshow.
Câu hỏi được đặt ra cho đại diện lãnh đạo DMC về việc cổ đông ngoại CFR International SPA liệu có tham gia vào đợt chào bán này để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại DMC không, bà Lương Thị Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DMC cho biết điều này phụ thuộc ý định của cổ đông ngoại.
Tính đến thời điểm tổ chức roadshow, việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư và cổ đông này là như nhau, tuy nhiên theo ghi nhận của bà Giang, không có đại diện của CFR tham gia buổi roadshow.
Tại FPT, hiện room ngoại đã cạn nên đợt chào bán này chỉ có nhà đầu tư trong nước có thể mua. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính FPT kỳ vọng Nhà nước sớm có chính sách thông thoáng hơn trong việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Trong năm 2017, FPT đã thực hiện thoái vốn tại 2 mảng bán lẻ và phân phối, ông Phương khẳng định định hướng tập trung vào công nghệ thông tin và viễn thông, là động lực tăng trưởng trong thời gian tới của FPT.
Trong lĩnh vực công nghệ, FPT sẽ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu nước ngoài 30%/năm. Hiện nay, FPT đang đầu tư 1 platform dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), đã ký hợp đồng với 1 công ty nước ngoài và 1 công ty trong nước cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng này. Trong thời gian tới, FPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động M&A tại thị trường Mỹ, Nhật Bản.
Đối với FPT Telecom, FPT tiếp tục đầu tư hạ tầng, tăng số lượng thuê bao. Theo ông Phương, hiện nay tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam chiếm dưới 50% dân số, vì vậy FPT sẽ đẩy mạnh vào các sản phẩm giá trị gia tăng, truyền hình trả tiền trong thời gian tới.
Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nội
Cũng tại buổi Roadshow, ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết điểm khác biệt so với đợt chào bán 3,33% vốn VNM là nhà đầu tư tham gia đấu giá sẽ không được đặt cọc bằng USD mà thay vào đó phải đặt cọc bằng VNĐ.
Chia sẻ bên lề về lý do, ông Thành cho biết, giá trị giao dịch của các đợt thoái vốn này không quá lớn, việc đặt cọc bằng USD tương đối phức tạp trong khi thời điểm chào bán tương đối gấp.
Dự kiến, buổi chào bán cạnh tranh cổ phần BMP sẽ diễn ra vào ngày 8/12 tới tại HOSE; tiếp đó ngày 11, 12 và 13/12, SCIC sẽ tổ chức chào bán cổ phần lần lượt FPT tại sàn MBS, DMC tại sàn CTCK Dầu khí và NTP tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham, SCIC cho phép nhà đầu tư miễn thủ tục chào mua công khai đối với trường hợp đăng ký mua dẫn đến tỷ lệ sở hữu vượt 25% số cổ phần tại doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần thông báo với SCIC trước 7 ngày so với ngày diễn ra đợt chào bán.
Theo SCIC, trong trường hợp có 2 nhà đầu tư đăng ký đấu giá SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh. Nếu chỉ có một nhà đầu tư tham gia, SCIC sẽ bán theo hình thức thỏa thuận trực tiếp trong vòng 3 ngày làm việc.
Đáng chú ý, nhà đầu tư có thể hủy đăng ký tham gia chào bán trong thời hạn đăng ký và được trả lại tiền đạt cọc nếu thấy diễn biến giá trên thị trường không thuận lợi.
Theo lộ trình dự kiến, buổi chào bán cạnh tranh cổ phần BMP sẽ diễn ra vào ngày 8/12 tới tại HOSE; tiếp đó ngày 11, 12 và 13/12, SCIC sẽ tổ chức chào bán cổ phần lần lượt FPT tại sàn MBS, DMC tại sàn CTCK Dầu khí và NTP tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Tính đến ngày 30/9/2017, SCIC có 133 khoản đầu tư với tổng vốn nhà nước theo giá thị trường khoảng 5,4 tỷ USD. Sau khi hoàn thành thoái vốn tại 6 doanh nghiệp trong năm 2017, từ năm 2018 đến hết 2020, SCIC dự kiến thoái vốn tại một số doanh nghiệp khác bao gồm VIID, HGM, VNR, SGC, BMI.