Doạnh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI

Doạnh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI

Rộ trào lưu ra nước ngoài thuê đất trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước đang có trào lưu xuất ngoại thuê đất trồng nguyên liệu để chuyển về nước, trong bối cảnh bị DN nước ngoài lấn lướt về thị phần và phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Lép vế vì thiếu đất trồng nguyên liệu?

Cuối tuần qua, Công ty TNHH De Heus Việt Nam (Hà Lan) đã khởi công xây dựng nhà máy TACN tại Vĩnh Phúc, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Như vậy, thêm một dự án sản xuất TACN của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất TACN.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, ngành TACN của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào khối ngoại, thể hiện ở sự bành trướng về thị phần của khối DN FDI và sự tăng nhanh của nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu. Riêng trong năm 2013, cả nước phải nhập khẩu tới 9,2 triệu tấn nguyên liệu TACN, trị giá 4,5 tỷ USD, tăng 27,46% so với năm trước đó.

Việc DN FDI hầu như nắm trọn ngành chăn nuôi không chỉ khiến ngành chăn nuôi có nguy cơ bị thao túng, mà còn dấy lên lo ngại chuyển giá. Thực tế, nhiều DN FDI đầu tư sản xuất TACN ở nước ta, nhưng không đầu tư vùng nguyên liệu, mà chủ yếu nhập khẩu để sản xuất.

Điển hình, Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Anco (Đồng Nai) đang bị nghi ngờ chuyển giá, khi hầu hết nguyên liệu của công ty này được nhập khẩu từ công ty riêng của Chủ tịch HĐQT Anco tại Malaysia, với giá cao hơn 50 - 100 USD/tấn so với các mặt hàng cùng chủng loại, xuất xứ của công ty khác.

Xuất ngoại thuê đất trồng nguyên liệu

Theo ông Lịch, nước ta thiếu hẳn thức ăn đạm và đậu tương, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Ngay cả ngô là cây truyền thống, thì nhiều năm qua, diện tích và năng suất ngô không hề được cải thiện. Năm 2013, cả nước phải nhập khẩu tới 2,2 triệu tấn ngô. Chính vì vậy, theo ông Lê Bá Lịch, các DN sản xuất TACN trong nước đang có trào lưu xuất ngoại thuê đất trồng nguyên liệu để chuyển về nước.

“Mới đây, Công ty Sản xuất TACN Thanh Hóa đã sang Lào trồng ngô. Trước đó, nhiều DN lớn khác cũng đã ra nước ngoài mua hoặc thuê đất trồng nguyên liệu. Muốn có TACN, thì trước hết phải có đất trồng nguyên liệu, nhưng hiện tại, DN muốn trồng nhưng không có đất”, ông Lịch bức xúc.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, thiếu quỹ đất là khó khăn chung của nhiều DN ngành chăn nuôi và TACN.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, đang có trào lưu DN đầu tư ra nước ngoài để tìm đất sản xuất nông nghiệp. “Nhiều DN nông nghiệp đã đầu tư sang Lào, Campuchia, Myanmar và một số nước châu Phi để sản xuất nông nghiệp. Đáng tiếc là, chúng ta chưa có chính sách ưu đãi đặc thù cho những DN này”, ông Chinh nói.

Theo lý giải của đại diện Cục Chăn nuôi, Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng đất đai manh mún, khó tìm được quỹ đất rộng để phát triển vùng nguyên liệu lớn, trong khi giá đất đắt đỏ. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có đồng cỏ mênh mông, quỹ đất lớn, giá thuê rẻ (giá thuê đất nông nghiệp ở Australia chỉ khoảng 1 USD/ha), nên đầu tư ra nước ngoài sản xuất nông nghiệp rẻ hơn hẳn so với trong nước.

Được biết, để hỗ trợ ngành TACN trong nước phát triển, Cục Chăn nuôi dự định đẩy mạnh phát triển các loại cây nguyên liệu TACN để thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, giải pháp này đang phải chờ việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành, bởi cho đến nay, quỹ đất dành cho nguyên liệu TACN hầu như chưa có.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, 137 DN trong nước chiếm tới 74,3% về số lượng, nhưng chỉ sản xuất được hơn 40% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi. Đáng lo hơn, thị phần này đang có nguy cơ bị co hẹp.

Tin bài liên quan