Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Rõ dần phương án về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Ngay từ Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, còn nhiều vấn đề về tiền lương cần làm rõ trong bối cảnh thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7 tới, khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Chính phủ vừa có báo cáo số 286/BC-CP ngày 25/5/2024 đề xuất các nội dung liên quan trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do tác động của chính sách tiền lương mới.

Đây là tài liệu phục vụ Quốc hội thảo luận tại hội trường trong cả ngày 27/5 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chưa cần thiết phải sửa đổi toàn diện ngay Điều 62 và Điều 63

Theo nghị trình, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này. Nhưng, ngay từ Kỳ họp thứ sáu, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, còn nhiều vấn đề về tiền lương cần làm rõ trong bối cảnh thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7 tới.

Vậy những quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thay đổi thế nào ở dự thảo trình Quốc hội lần này? Những thay đổi này đã được đánh giá tác động kỹ càng hay chưa?, là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo trước thềm Kỳ họp thứ 7.

Khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết, về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Xã hội đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, trình Quốc hội phương án tối ưu nhất, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Đến ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở theo Nghị quyết 28 bị bãi bỏ, thay bằng mức điều chỉnh mới, gọi là mức tham chiếu. Mức tham chiếu cụ thể là gì thì các cơ quan Chính phủ đang tính toán mức phù hợp để sao cho mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở.

Tại báo cáo số 286, Chính phủ nêu rõ, với phương án cải cách tiền lương mà Chính phủ đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, về cơ bản chưa cần thiết phải sửa đổi toàn diện ngay Điều 62 và Điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành như đề xuất trước đó của Chính phủ.

Chính phủ đề nghị giữ như nội dung tại Điều 72 và Điều 73 Dự thảo Luật Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6 (sửa đổi, bổ sung Điều 62, Điều 63), tương ứng với Điều 76 và Điều 77 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi kèm theo Báo cáo số 840/BC-UBTVQH15 ngày 19/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Kỳ họp thứ 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với phương án Chính phủ trình Quốc hội:

Điều 76. Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

đ) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

e) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

g) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

h) Trường hợp trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này, người lao động có khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội liền kề với bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của thời gian này cao hơn bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối thì người lao động được chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội liền kề tương ứng với số năm quy định tại khoản này để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

i) Chính phủ quy định việc tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này trên tổng thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

“Điều 77. Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 76 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh như sau:

a) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Chính phủ quy định việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

b) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, được điều chỉnh như quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 76 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.”

Sử dụng “mức tham chiếu" thay thế cho "mức lương cơ sở

Về việc sử dụng “mức tham chiếu" thay thế cho "mức lương cơ sở” , theo Chính phủ, để đảm bảo tương quan, phù hợp với dự kiến phương án cải cách tiền lương mà Ban Chỉ đạo đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, đề nghị thể hiện khái niệm “mức tham chiếu” tại Khoản 12 Điều 4 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) kèm theo văn bản số 840/BC-UBTVQH15 ngày 19/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này. Mức tham chiếu được tính bằng mức lương cơ sở, khi bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội”.

Về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chính phủ đề nghị giữ như nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình 527/TTr-CP ngày 10/10/2023 tương ứng với điểm a khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) kèm theo văn bản số 840/BC-UBTVQH15 ngày 19/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Tin bài liên quan