Rõ dần phương án đầu tư PPP cao tốc lên Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Có ít nhất 3 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn I) theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Nút giao Dầu Giây - điểm khởi đầu của cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.

Nút giao Dầu Giây - điểm khởi đầu của cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.

Thêm bước tiến mới

Tiến trình triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn I) theo phương thức PPP - một trong ba phân đoạn của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, kết nối Đông Nam bộ và Tây Nguyên, đã có thêm bước tiến mới. Theo đó, cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) có Công văn số 11239/BGTVT-CĐCTVN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

“Thực hiện quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6 và khoản 1, Điều 20, Luật PPP, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Thẩm định liên ngành và tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, làm cơ sở để Bộ GTVT phê duyệt Dự án và triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định”, Công văn số 11239/BGTVT-CĐCTVN do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ.

Trước đó, sau khi Thủ tướng ký Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 6/9/2022 phê duyệt chủ trương Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn I) theo phương thức PPP, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

Đây là cơ sở pháp lý để Bộ GTVT bắt đầu tổ chức thiết kế kỹ thuật, xây dựng dự toán, tuyển chọn nhà đầu tư, ghi kế hoạch vốn và kích hoạt công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Hai phân đoạn khác dự kiến đầu tư theo phương thức PPP là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đang được UBND tỉnh Lâm Đồng gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để có thể sớm triển khai đồng loạt trên thực địa.

“Việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ giảm tải cho Quốc lộ 20, tạo liên kết nhanh về giao thông của khu vực (các tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng) với TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện để các địa phương chuyển đổi cơ cấu theo hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa, tạo đà cho các hoạt động đầu tư, thương mại và dịch vụ, lưu thông hàng hóa”, ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết.

Theo Quyết định số 1045/QĐ-TTg, Dự án có điểm đầu tại Km0+000 giao với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km60+243,83, vượt qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 (tại khoảng Km69+400 - Quốc lộ 20) khoảng 200 m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Toàn bộ chiều dài tuyến đường (khoảng 60,24 km) nằm trọn vẹn trên địa phận các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú của tỉnh Đồng Nai.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được xác định có quy mô đầu tư trong giai đoạn hoàn chỉnh là 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc 100 km/h. Trong phân kỳ giai đoạn I, Dự án sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuy nhiên, tại các vị trí xử lý đất yếu, nền đường đào sâu, đắp cao, phạm vi nút giao liên thông, điểm dừng xe khẩn cấp, công trình cầu trên chính tuyến vẫn được thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 24,75 m.

Với quy mô đầu tư như trên, tổng mức đầu tư Dự án là 9.035,4 tỷ đồng, trong đó 2 khoản kinh phí lớn nhất là giải phóng mặt bằng 1.269 tỷ đồng và chi phí xây dựng 5.537,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng được xác định là 531,7 tỷ đồng.

So với tổng mức đầu được phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg, tổng mức đầu tư Dự án tại Báo cáo nghiên cứu khả thi tăng thêm 600 tỷ đồng. Mặc dù mức tăng không lớn, nhưng đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ phải giải trình kỹ đối với Hội đồng Thẩm định liên ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực.

Độ hấp dẫn cao

So với bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhiều thông số tài chính quan trọng, quyết định độ hấp dẫn của Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn I) theo phương thức PPP được làm rõ tại Báo cáo nghiên cứu khả thi vừa được Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, phần vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp là 7.753,450 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia 1.300 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu được xác định là 11,77%/năm trên cơ sở hướng dẫn tại Thông tư 22/2022/TT-BGTVT ngày 31/8/2022 của Bộ GTVT và có đối chiếu với các dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP đã được phê duyệt; mức lãi suất phần vốn vay 11,20%/năm, xác định theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 4, Nghị định 28/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP.

Khoản thu chính của Dự án chủ yếu từ nguồn phí sử dụng dịch vụ đường bộ do các phương tiện giao thông; doanh thu thu phí được xác định trên cơ sở lưu lượng giao thông dự kiến (theo dự báo lưu lượng có khả năng sử dụng tuyến dự án) và mức giá thu phí sử dụng.

Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, mức giá dịch vụ khởi điểm của Dự án dự kiến khoảng 1.700 đồng/xe nhóm 1/km. Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại so với xe nhóm 1 được xác định theo hệ số tương quan giữa các nhóm xe, trong đó hệ số xe nhóm 2 là 1,3 lần, xe nhóm 3 là 1,7 lần, xe nhóm 4 là 2,7 lần và xe nhóm 5 là 3,8 lần. Thời gian khai thác (thu phí) của nhà đầu tư là 27 năm (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán, ký kết hợp đồng dự án). Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Với các yếu tố đầu vào như trên, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn I) theo phương thức PPP có phương án tài chính khá tích cực với giá trị hiện tại ròng dự án (NPV) là 5,941 tỷ đồng > 0; tỷ suất nội hoàn dự án (IRR) là 11,33% > 10,51% (tỷ suất chiết khấu bình quân dự án); tỷ suất lợi ích và chi phí (BCR) là 1,001 > 1.

Một yếu tố quan trọng khác có thể làm tăng sức hấp dẫn cho Dự án là việc Bộ GTVT đề nghị áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của Dự án thực hiện theo quy định tại Điều 82, Luật PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, với nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, thực hiện theo quy định tại Điều 25, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, đơn vị chuẩn bị dự án đã đăng tải thông tin khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với Dự án trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Hết thời hạn, có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia, gồm 3 nhà đầu tư trong nước (Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp DIC, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng) và một nhà đầu tư nước ngoài (China Harbour Engineering Company Limited).

“Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 34, Nghị định 35/2021/NĐ-CP, tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, chúng tôi đề xuất tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, thời gian tổ chức dự kiến trong năm 2024”, ông Phạm Thanh Bình cho biết.

Tin bài liên quan