Theo nguồn tin về vấn đề này, Giám đốc điều hành của Qualcomm là Cristiano Amon đã đích thân tham gia vào các cuộc đàm phán để mua lại Intel – nhà sản xuất chip đã tồn tại trong 5 thập kỷ. Một nguồn tin khác cho biết, ông Amon đã tích cực xem xét nhiều lựa chọn khác nhau cho một thỏa thuận với Intel.
Đầu tháng này, Reuters đưa tin rằng Qualcomm đã tìm hiểu khả năng mua lại một phần doanh nghiệp thiết kế của Intel và đơn vị thiết kế PC của Intel đặc biệt được quan tâm. Các giám đốc điều hành của Qualcomm đang xem xét toàn bộ danh mục đầu tư kinh doanh của Intel.
Thỏa thuận này nếu xảy ra sẽ là một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ từ trước đến nay. Intel có vốn hóa thị trường hơn 90 tỷ USD.
Từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh của Intel đã đi xuống trong nhiều năm qua và đặc biệt thể hiện sự suy yếu rõ rệt trong năm 2024. Cổ phiếu đã có mức giảm trong một ngày lớn nhất trong hơn 50 năm vào tháng 8 sau khi công ty báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng. Cổ phiếu Intel đã giảm 53% trong năm nay do các nhà đầu tư bày tỏ sự nghi ngờ về kế hoạch tốn kém của công ty trong việc sản xuất và thiết kế chip.
Qualcomm và Intel cạnh tranh trên một số thị trường, bao gồm cả chip PC và máy tính xách tay. Nhưng không giống như Intel, Qualcomm không tự sản xuất chip mà thay vào đó dựa vào các công ty như TSMC và Samsung để xử lý sản xuất.
Intel cũng đã bỏ lỡ sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo (AI) đã thu hút sự chú ý của Phố Wall. Hầu hết các chương trình AI tiên tiến, chẳng hạn như ChatGPT chạy trên bộ xử lý đồ họa Nvidia thay vì bộ xử lý trung tâm Intel.
Trong khi đó, thỏa thuận nếu được tiến hành cũng có khả năng sẽ thu hút sự giám sát từ các cơ quan quản lý chống độc quyền tại Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. Qualcomm có thể được yêu cầu thoái vốn một số bộ phận của Intel để có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Cả Intel và Qualcomm đều kinh doanh tại Trung Quốc và cả hai đều đã chứng kiến các thỏa thuận bị các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Trung Quốc phá hỏng. Intel đã không thành công với nỗ lực mua lại Tower Semiconductor, cũng như Qualcomm trong nỗ lực mua lại NXP Semiconductor.
Thương vụ này cũng sẽ đánh dấu nỗ lực thâu tóm lớn nhất trong ngành công nghệ kể từ khi Broadcom tìm cách mua lại Qualcomm với giá 142 tỷ USD vào năm 2018, trước khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận này với lý do rủi ro an ninh quốc gia.
Các thương vụ mua lại khổng lồ khác trong lĩnh vực này cũng đã bị phá hỏng. Năm 2017, Broadcom đã đưa ra lời đề nghị mua Qualcomm với giá hơn 100 tỷ USD. Chính quyền Trump đã chặn thỏa thuận này vào năm sau vì lo ngại về an ninh quốc gia vì Broadcom khi đó có trụ sở tại Singapore. Và vào năm 2021, Ủy ban Thương mại Liên bang đã kiện để chặn nỗ lực mua lại Arm của Nvidia vì lý do luật chống độc quyền. Thỏa thuận đã bị hủy bỏ vào năm 2022 sau khi chịu thêm áp lực từ các cơ quan quản lý ở Châu Âu và Châu Á.
Những khó khăn của Intel
Từng là thế lực thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip, nhưng TSMC đã soán ngôi Intel và sau đó Intel không thể sản xuất ra một con chip được nhiều người mong muốn cho sự bùng nổ AI như Nvidia và AMD.
Intel đã cố gắng xoay chuyển tình hình kinh doanh của mình bằng cách tập trung vào bộ xử lý AI và tạo ra một doanh nghiệp sản xuất chip theo hợp đồng, được gọi là xưởng đúc.
Là một phần trong bản ghi nhớ của CEO Pat Gelsinger, Intel đã đưa ra một loạt thông báo bắt nguồn từ cuộc họp hội đồng quản trị vào tuần trước. Ông Gelsinger và các giám đốc điều hành khác đã trình bày một kế hoạch cắt giảm các doanh nghiệp và tái cấu trúc công ty.
Công ty có kế hoạch tạm dừng xây dựng các nhà máy ở Ba Lan và Đức, và giảm lượng bất động sản nắm giữ. Intel cũng cho biết họ đã đạt được thỏa thuận sản xuất chip mạng tùy chỉnh cho dịch vụ đám mây AWS của Amazon.com.