Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc và Baotou INST Magnetic của Trung Quốc sẽ tham gia cùng các công ty trong các lĩnh vực khác nhau như điện tử và ô tô trong việc chuyển đổi dây chuyền lắp ráp trong bối cảnh các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng.
Trung Quốc đã thống trị về lĩnh vực sản xuất nam châm và nguồn cung kim loại đất hiếm. Nam châm là trung tâm của việc sản xuất các sản phẩm như xe điện, tuabin gió, vũ khí và điện thoại thông minh, làm cho lĩnh vực này trở nên quan trọng về mặt chiến lược. Mặc dù vậy, nỗ lực thách thức sự dẫn đầu của Trung Quốc vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác chỉ đứng sau Trung Quốc, cũng như ngành công nghiệp chế biến còn non trẻ, mang lại cho nước này tiềm năng trở thành đối thủ cạnh tranh lớn hơn nhiều.
Chẳng hạn, dự án của SGI tại Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt sản lượng 5.000 tấn nam châm neodymium (NdFeB) cao cấp mỗi năm, đủ cho 2 triệu xe điện (EV).
Tuy nhiên, dữ liệu của Adamas Intelligence được trích dẫn trong báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy Việt Nam chỉ sản xuất 1% nam châm trên thế giới, so với 92% của Trung Quốc.
Hơn nữa, một số nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất số lượng nam châm gấp 10 lần dự án của SGI và Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc khai thác và chế biến quặng.
Thị phần khai khoáng và tinh chế kim loại đất hiếm và sản xuất nam châm từ đất hiếm của một số quốc gia |
Theo ước tính của công ty tư vấn vật liệu Project Blue, nhà máy của SGI hoạt động hết công suất sẽ tạo ra gần 3% sản lượng toàn cầu vào năm 2022. Dữ liệu thương mại của Mỹ cho thấy con số này tương đương với gần một nửa lượng nam châm neodymium nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái.
Hơn nữa, các quan chức Mỹ đã báo hiệu sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiềm năng đất hiếm của Việt Nam trong bối cảnh thảo luận nhằm nâng cấp quan hệ song phương trong năm nay và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng 6 để tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng.
Các nhà sản xuất nam châm cũng bị thu hút đến Việt Nam bởi chi phí lao động thấp và khả năng tiếp cận thị trường nhờ nhiều hiệp định thương mại tự do. Những người trong ngành cho biết, họ cũng muốn tiến gần hơn đến các khách hàng có trụ sở tại Việt Nam, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô và các công ty điện tử, vốn đang ngày càng cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp của Trung Quốc khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, nhà phân tích David Merriman của Project Blue cho biết: “Bất kỳ ai đang cố gắng xây dựng từ đầu một chuỗi cung ứng từ mỏ đến nam châm sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức”.
SGI, công ty cung cấp nam châm cho VinFast và Hyundai Motor cho biết đang đầu tư 80 triệu USD vào nhà máy mới tại Việt Nam với việc sản xuất bắt đầu từ năm 2024. Nhà máy này sẽ tăng gần gấp đôi công suất so với sản lượng hiện tại là 3.000 tấn/năm từ các nhà máy ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
SGI mô tả khoản đầu tư này là một phần của "biện pháp đối phó" chống lại các hạn chế thương mại có thể có của Trung Quốc.
SGI cho biết: “Chính sách của Trung Quốc về kiểm soát nguyên liệu thô và công nghệ liên quan đến đất hiếm đang được tăng cường, dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung”. Công ty cho biết họ lấy phần lớn đất hiếm từ Trung Quốc nhưng đang tìm kiếm nguồn thay thế ở Việt Nam và Úc và có kế hoạch phát triển một cơ sở tinh chế tại Việt Nam.
Ngoài ra, Reuters cho biết, INST của Trung Quốc dự kiến bắt đầu hoạt động vào đầu tháng tới tại một nhà máy ở miền bắc Việt Nam sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận vào tháng 6.
INST, một công ty sản xuất nam châm lớn chuyên về thiết kế mạch đã được thêm vào danh sách nhà cung cấp của Apple vào năm 2021. Việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam của công ty này là theo yêu cầu của khách hàng nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, Luxshare của Trung Quốc và Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những nhà cung cấp chính của Apple thông qua sản xuất các sản phẩm trang bị nam châm tại Việt Nam như iPad và MacBook.