Các ngân hàng vẫn bị khống chế đối với dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán.

Các ngân hàng vẫn bị khống chế đối với dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán.

Repo chứng khoán trước nỗi lo an toàn hệ thống

(ĐTCK-online) Thời gian gần đây, nhiều CTCK bắt đầu triển khai lại nghiệp vụ repo chứng khoán (mua - bán chứng khoán có kỳ hạn). Có ý kiến vui mừng vì sẽ có cơ hội sử dụng đòn bẩy tài chính, vay tiền để nâng cao lợi nhuận đang kiếm được khá tốt từ chứng khoán trong mấy tuần qua; nhưng cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, chính việc cho repo quá mức đã dẫn đến đợt giải chấp chứng khoán mạnh cách đây không lâu và đẩy thị trường vào trạng thái giảm giá kéo dài. Vậy sắp tới, repo sẽ phát triển như thế nào?

Nhận định về nghiệp vụ repo hiện nay

Điều trước tiên cần phải nhận định, repo là một nghiệp vụ được triển khai đã lâu trên các thị trường thế giới, vì vậy, lo sợ thị trường bị ảnh hưởng xấu sẽ không phải là lý do phù hợp để e ngại triển khai repo, cũng giống như lo sợ bán khống sẽ làm thị trường sụt giảm. Điều đó giống như là vì sợ điện giật, nên chỉ dám dùng đèn dầu! Tuy nhiên, nếu lãng phí điện thì sẽ dẫn đến khủng hoảng năng lượng một ngày không xa (chưa kể sử dụng không đúng cách có thể bị giật). Vì thế, triển khai nghiệp vụ repo là điều bình thường, chẳng qua là cần một khung pháp lý quản lý phù hợp cho nghiệp vụ này, tránh trường hợp bị lạm dụng nhiều lần gây ra tình trạng bong bóng phình to không kiểm soát được trên thị trường (mà điển hình là bài học về việc repo quá mức cách đây không lâu). Ngoài ra, CTCK và ngân hàng cũng cần phải có cách tiếp cận thận trọng hơn với dịch vụ này.

Trước mắt, các ngân hàng vẫn bị khống chế đối với dư nợ cho vay chứng khoán, đồng thời họ cũng biết trước mắt còn phải đối phó với nhiều tình huống nợ xấu có thể phát sinh do tình hình kinh tế sụt giảm, doanh nghiệp khó trả nợ vay (như tình huống CTCP Bông Bạch Tuyết) hay là do tình hình đình trệ của nhiều dự án bất động sản. Vì vậy, họ sẽ khá thận trọng trong nghiệp vụ này. Mặt khác, hiện tại nhiều ngân hàng và CTCK cũng không dư dả vốn, cho nên có thể dự đoán hoạt động repo vẫn chưa thể tăng quá mạnh như trước khi có Chỉ thị 03/2007/NHNN.

Tuy nhiên, một điều đáng lo là có thể xảy ra trường hợp nhiều ngân hàng và CTCK, vì sức ép lợi nhuận, sẽ mạo hiểm thực hiện repo ở mức cao nhất có thể, vì nhiều công ty bị ép vào thế "được ăn cả, ngã về không", mạo hiểm thì năm nay còn có cơ hội có lợi nhuận, không thì bị lỗ. Do đó, những ngân hàng không thể cho vay kiếm lời khi bị chặn trần lãi suất cho vay thì dồn tiền bạc khai thác "room" cho vay chứng khoán của mình, nhằm "cải thiện thu nhập". Tuy số ngân hàng nghĩ như vậy không nhiều và khả năng diễn ra điều này là không cao, nhưng những suy nghĩ trên cũng không thể loại trừ, đặc biệt là khi thị trường có tín hiệu lạc quan hơn. Những hành động "làm liều" với hy vọng "chuyển bại thành thắng" như vậy đã từng được tổng kết rất nhiều ở các nước và đã gây ra nhiều vụ sụp đổ định chế tài chính nổi tiếng (mà vụ trước nhìn rất giống vụ sau; cho nên không có nghĩa là ta mới trải qua một đợt sụt giảm thị trường thì chưa chắc ai cũng lấy đó làm lo sợ mà không mạo hiểm nữa).

Có thể thấy, hiện tại những tổ chức đã và đang muốn triển khai lại nghiệp vụ repo là tổ chức có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm và có sự hỗ trợ của ngân hàng lớn. Nhưng khi mà công ty này làm, công ty kia cũng làm, thì sẽ dẫn đến tình trạng tổ chức thực lực yếu cũng làm. Điểm bất cập hiện nay là phương pháp quản lý vấn đề cho vay kinh doanh chứng khoán theo cách "dàn hàng ngang", như cách mà Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 03 áp đặt mức cho vay đầu tư chứng khoán tối đa là 3% tổng dư nợ hay là cách đặt quy định mức cho vay này chỉ là 20% vốn điều lệ cho các ngân hàng sau đó. Vốn điều lệ hay tổng dư nợ hoàn toàn không thể phản ánh đầy đủ chất lượng tài sản, chất lượng quản trị rủi ro và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Chẳng hạn, ngân hàng có vốn điều lệ hay dư nợ lớn nhưng nếu tất cả đều cho vay vào tài sản quá nhiều rủi ro (nhiều khoản cho vay có khả năng trở thành nợ xấu) thì vẫn được cho vay chứng khoán nhiều và càng tăng rủi ro cho ngân hàng.

Vì vậy, nên tính đến cách quản lý bằng cách tiếp cận theo tài sản có rủi ro, độ đầy đủ và an toàn vốn của ngân hàng một cách đồng bộ. Còn nếu chỉ quy định một trọng số rủi ro nhất định cho các khoản cho vay kinh doanh chứng khoán thôi thì chưa đủ, vì vấn đề đảm bảo đủ và an toàn vốn của ngân hàng Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn đi theo Hiệp ước Basel II, áp dụng trọng số rủi ro không chắc đạt được mục tiêu, có khi trở thành cảnh "đầu voi đuôi chuột". Cách đây không lâu, một số chuyên gia cũng từng đề nghị xem xét lại công thức tính vốn tự có và hệ số an toàn vốn của ngân hàng cho phù hợp thông lệ quốc tế. Vậy nghĩa là trong cách tính toán về cái gọi là "an toàn" vẫn còn điều để bàn. Trong khi quản lý còn bất cập như vậy thì "rủi ro đạo đức" từ việc cho vay kinh doanh chứng khoán quá khả năng kiểm soát của những ngân hàng yếu và CTCK không có tiềm lực là rất lớn.

Đó là chưa nói đến trường hợp khi chứng khoán cầm cố được định giá không phù hợp, đến khi thị trường có sự sụt giảm mạnh (dù đa số nhà đầu tư tin tưởng rằng chứng khoán sẽ không giảm mạnh nữa, nhưng không thể loại trừ khả năng này), thì sẽ lại có giải chấp chứng khoán "phần hai", tiếp theo "phần một" mà chúng ta đã xem cách đây không lâu. Khi người ta đang lạc quan trở lại, định giá chứng khoán cao là khó tránh, nhất là khi việc cạnh tranh giữa các CTCK đang khá gay gắt. 

Nên có một gói nghiệp vụ đồng bộ

Trước mắt, để thị trường phát triển thì cần phải có đồng bộ nhiều nghiệp vụ chứng khoán. Đối với cho vay kinh doanh chứng khoán thì không chỉ có repo mà còn có cho vay thông qua ký quỹ (margin). Nhìn chung, về cách quản lý các khoản vay chứng khoán không khác biệt lắm cho các nghiệp vụ này, nhưng về tác động thị trường và độ an toàn có thể khác nhau. Điển hình là nếu tiến hành ký quỹ bằng tiền mặt thì nhà đầu tư nộp tiền mặt vào, chẳng hạn 70% số tiền cần để mua chứng khoán, phần còn lại vay của ngân hàng. Vậy thì so với nghiệp vụ repo, đến khi mà giá chứng khoán rớt quá một mức nào đó (tùy vào ngân hàng tính toán sao cho an toàn mà vẫn đủ sức cạnh tranh), thì nhà đầu tư mới phải nộp thêm tiền ký quỹ hoặc bán cổ phiếu để trả nợ. Ít ra, ngân hàng không phải đi bán cổ phiếu được cầm cố để giải chấp (vì ký quỹ chứ không thế chấp cổ phiếu), nhờ vậy, ít tác động đến thị trường hơn, mà đòn bẩy tài chính cũng có thể thấp hơn, phù hợp và an toàn hơn cho một số nhà đầu tư (để họ không mạo hiểm quá khả năng của mình). Cách làm này cũng không quá xa lạ, vì cũng đã xuất hiện ở một số CTCK dưới những hình thức khác nhau. Vấn đề là nên đưa vào danh mục sản phẩm cho vay chứng khoán để quản lý đồng bộ và có khung pháp lý rõ ràng cho CTCK triển khai.  

Thêm nữa, ngoài vấn đề cho vay kinh doanh chứng khoán, cũng nên chú trọng vào sản phẩm phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Khi kinh doanh chứng khoán đã nhiều rủi ro, cho sử dụng nợ vay là tăng thêm rủi ro (và đương nhiên là khả năng kiếm lời), thì cũng nên cung cấp cho nhà đầu tư cách phòng ngừa để giảm thiểu tổn thất khi rủi ro xảy ra. Bán khống là một sản phẩm rất cần thiết và không tạo sức ép giảm giá như người ta tưởng. Sản phẩm phái sinh như quyền chọn (option) cũng có thể tính đến, dù có lẽ còn hơi khó phát triển ở nước ta (cứ nhìn tình hình ở thị trường tiền tệ và hàng hóa thì rõ). Nói tóm lại, quay trở lại nghiệp vụ repo thì cần nhìn khung pháp lý điều chỉnh nghiệp vụ này và các gói giải pháp giúp nhà đầu tư kiếm tiền trong giới hạn an toàn hơn.

Trở lại với việc cung cấp sản phẩm repo, có thể thấy cũng giống như là cung cấp điện, tức là tạo ra thêm nhiều tiện ích cho đời sống, nhưng phải có cách sử dụng điện an toàn và dụng cụ phù hợp, nếu không sẽ bị điện giật hoặc hao tổn tài nguyên (thay vì đem tiền đầu tư sản xuất thì đổ cả vào kinh doanh chứng khoán trên thị trường thứ cấp, chứ cũng không tạo thêm vốn cho doanh nghiệp qua thị trường sơ cấp). Làm sao tạo ra dụng cụ phù hợp và khuôn khổ an toàn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của nhà điều hành thị trường và tính toán của các CTCK. Đương nhiên, nhà đầu tư cũng cần tự cập nhật hơn nữa các kiến thức về sản phẩm tài chính và thị trường, cũng như "học thuộc" các bài học lời/lỗ vừa qua.