Những dòng xe nối đuôi nhau di chuyển qua Điện Kremlin trong bão tuyết. Ảnh: AFP
Tập đoàn sản xuất ô tô Renault (Pháp) hiện có cổ phần kiểm soát trong nhà sản xuất ô tô Nga AvtoVAZ, chiếm 39,5% sản lượng xe của quốc gia này, tiếp theo là Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) với thị phần 27,2%.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, hãng sản xuất ô tô Đức Volkswagen chiếm 12,2% thị phần tại thị trường Nga, theo sau là Toyota với 5,5% và một số hãng xe khác.
Ông Tim Urquhart, chuyên gia phân tích thị trường châu Âu ô tô tại IHS cho biết: "[Các nhà sản xuất ô tô] lớn nhất thế giới không kiếm được nhiều tiền từ Nga. Nhưng rõ ràng Renault là công ty lớn nhất về mức độ tiếp cận thị trường".
Theo hãng tin Reuters, Renault sẽ tạm ngừng sản xuất tại nhà máy lắp ráp ô tô ở Moscow vào tuần tới do "buộc phải thay đổi các tuyến đường vận tải hiện nay" gây ra tình trạng thiếu linh kiện.
Trong số 3 nhà sản xuất ô tô ở Detroit (Mỹ), General Motors đã ngừng hoạt động sản xuất tại Nga cách đây 7 năm và chấm dứt hợp tác liên doanh vào năm 2019, nhưng vẫn tiếp tục vận hành văn phòng kinh doanh xe nhập khẩu. Trong khi đó, Ford gần như đã rời khỏi thị trường Nga vào năm 2019, còn Stellantis (tên gọi mới của Fiat Chrysler) vận hành một nhà máy sản xuất ô tô tại Nga thông qua các liên doanh. Theo báo cáo của IHS, Stellantis chỉ chiếm 1,6% sản lượng xe của thị trường Nga.
Vào những năm 2000, các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới từng kỳ vọng Nga sẽ trở thành một thị trường ô tô quy mô lớn và là trung tâm thúc đẩy kinh doanh sang các thị trường khác, bao gồm cả châu Âu. Tuy nhiên, sự bất ổn trong nước và nền kinh tế trì trệ cùng với các yếu tố khác đã khiến thị trường Nga chỉ đạt doanh số cao nhất với 2,96 triệu chiếc vào năm 2008, theo IHS.
"Doanh số (thị trường Nga) đã giảm đi nhiều trong vài năm qua. Tôi không nghĩ rằng những vụ việc mới đây sẽ thay đổi điều này", ông Urquhart đánh giá.
Trong 3 năm qua, thị trường ô tô Nga đạt doanh số 1,6 - 1,75 triệu chiếc mỗi năm, chỉ bằng 1/10 quy mô của thị trường Mỹ vào năm ngoái và chỉ chiếm khoảng 2% doanh số ô tô toàn cầu năm 2021.
Ukraine có tiềm lực sản xuất ô tô hạn hẹp và doanh số bán xe ở thị trường này năm ngoái chỉ đạt khoảng 100.000 chiếc, theo IHS. Việc Nga tấn công vào Ukraine có thể ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu, đặc biệt liên quan đến nguồn cung cấp khí neon và kim loại quý hiếm palladium dùng trong sản xuất chip bán dẫn và bộ chuyển đổi xúc tác (catalytic converter).
Bà Stephanie Brinley, chuyên gia phân tích thị trường ô tô tại IHS cho rằng: "Tác động tiềm ẩn đến ngành công nghiệp ô tô dường như chủ yếu tập trung vào nguy cơ gián đoạn nguồn cung tài nguyên thiên nhiên". "Những tài nguyên đó bao gồm khí neon từ Ukraine và kim loại quý hiếm palladium từ Nga. Ở thời điểm này, chúng tôi không thể đánh giá cụ thể tác động đó ra sao hoặc khi nào (các hãng ô tô - BTV) sẽ cảm nhận được tác động đó".
Công ty nghiên cứu nguyên liệu chuỗi cung ứng Techcet (Mỹ) cho biết, nguồn cung cấp khí neon mà Mỹ được sử dụng cho quy trình in thạch bản để sản xuất chip, hầu như đến từ Ukraine và Nga. Nga cũng là nhà cung cấp palladium chính cùng với Nam Phi và đáp ứng khoảng 33% nhu cầu toàn cầu, theo Techcet. Palladium được sử dụng cho bộ chuyển đổi xúc tác trong sản xuất ô tô.
"Đó chỉ là thêm một nhân tố khiến giá cả tăng lên. Thị trường ô tô chắc chắn sẽ cảm nhận được điều này", CEO Lita Shon-Roy của Techcet cho biết.
Bà Lita Shon-Roy cũng cho rằng tác động tăng giá có thể sẽ không được cảm nhận trong 6 tháng nếu không phải là 1 năm, bởi hầu hết các nhà sản xuất chip đều có thỏa thuận dài hạn với đối tác về cung ứng những nguyên liệu thô như khí neon và kim loại palladium.