Rau quả xuất sang Trung Quốc sớm chạm mốc 4,5 tỷ USD

Với xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 3,5 tỷ USD sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường tỷ dân dự kiến mang về 4,5 tỷ USD trong năm nay.
Sầu riêng Việt Nam đắt hàng xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.

Sầu riêng Việt Nam đắt hàng xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.

4,5 tỷ USD trong tầm tay

Trước ngày bay sang Bắc Kinh dự Lễ hội Trái cây Việt Nam tại Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group phấn khởi thông báo, doanh nghiệp ông đã chính thức có mã số nhà máy đóng gói và mã số vùng trồng dừa xuất khẩu sang thị trường tỷ dân. Mục tiêu của doanh nghiệp này bây giờ là thúc đẩy bán hàng cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Là một trong những nhà xuất khẩu trái cây lớn, với doanh thu xấp xỉ 100 triệu USD/năm, Vina T&T Group đã và đang tận dụng nhanh và hiệu quả việc mở cửa thị trường cho trái cây Việt sang thị trường này (năm ngoái là sầu riêng, năm nay là trái dừa tươi và sầu riêng cấp đông).

Nhưng Vina T&T Group không phải là doanh nghiệp duy nhất. Tin vui tại sự kiện này, hàng loạt doanh nghiệp Việt, trong đó có Ameii Việt Nam, Công ty Giao dịch thương mại châu Á... đã ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác Trung Quốc, mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Việc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Lễ hội Trái cây Việt Nam tại Trung Quốc nhằm tạo “sân chơi” chính thống cho các nhà xuất khẩu trong nước thâm nhập sâu hơn thị trường tỷ dân. Với doanh nghiệp đã xuất khẩu thì mở rộng tệp khách hàng, lắng nghe phản hồi từ các nhà mua hàng, người tiêu dùng, từ đó kịp thời điều chỉnh “mắt xích” chưa ổn trong chuối sản xuất để tăng kim ngạch.

Trong 9 tháng năm 2024, rau quả xuất khẩu mang về hơn 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ và vượt cả năm ngoái, trong đó, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 3,5 tỷ USD. Hiện tại, các loại trái cây chất lượng cao, giá trị kim ngạch lớn của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài… đều có “giấy thông hành” sang thị trường 1,4 tỷ dân.

Mới nhất, trái dừa tươi, sầu riêng đông lạnh đã được phía bạn mở cửa thị trường, cho phép xuất khẩu chính ngạch, ngành rau quả Việt có thêm cơ hội cán mốc doanh thu xuất khẩu 4,5 tỷ USD vào cuối năm nay.

Phó vụ trưởng Vụ châu Á (Bộ Thương mại Trung Quốc), ông Lý Ngạn nhấn mạnh: “Hợp tác kinh tế thương mại là động lực chính cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Kể từ năm 2004, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kể từ năm 2016, Việt Nam chính là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN, trong đó rau quả là lĩnh vực có trao đổi thương mại ngày càng lớn”.

Theo ông Lý Ngạn, 8 tháng năm 2024, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung cấp trái cây lớn lớn thứ 3 thế giới của Trung Quốc (sau Thái Lan và Chilê), với nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc.

Xuất khẩu còn tiến rất xa

Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước ngày càng phát triển sâu, rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, bất chấp sự suy giảm của kinh tế thế giới.

Ông Trương Ngọc Tỷ, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa (Bắc Kinh) cho biết, các nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa.

Dẫn chứng, năm 2023, tổng khối lượng giao dịch nông sản tại Tân Phát Địa đạt 15,16 triệu tấn, tổng kim ngạch giao dịch đạt 126,7 tỷ nhân dân tệ.

“Tỷ lệ tự cung cấp nông sản của Bắc Kinh là rất thấp, hầu hết nông sản đến từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài. Chúng tôi mong chờ có thêm nhiều loại rau quả Việt Nam chất lượng cao có mặt trên thị trường Trung Quốc”, ông Tỷ nói.

Với nhu cầu nhập khẩu lớn phục vụ thị trường nội địa, Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa đang mở rộng cơ sở trồng trọt tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Philippines, Malaysia và các nước khác, với tổng diện tích 325.000 mẫu Anh. Trong đó, thanh long, chuối, xoài, dưa hấu, khoai lang tím được trồng chủ yếu ở Việt Nam, với diện tích hơn 20.000 mẫu Anh. Tới đây, Tân Phát Địa sẽ tăng cường hợp tác về sầu riêng, mít, nhãn, chanh leo, măng cụt và các giống cây trồng khác.

Các nhà nhập khẩu, phân phối Trung Quốc lưu ý, để hợp tác lâu dài, nhà cung ứng Việt cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều, lựa chọn sản phẩm đúng kích cỡ, đảm bảo an toàn thực phẩm, chú ý những chi tiết nhỏ về bao bì để nhận diện thương hiệu…

Tin bài liên quan