Theo ông Uông Chu Lưu, hợp tác công - tư đã làm lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới làm, nhưng vì chưa có một cơ sở pháp lý cao là luật của Quốc hội, cho nên trong quá trình tổ chức thực hiện dẫn đến có những sai sót, có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy, luật này ban hành là thực sự cần thiết.
“Có những điểm sau này sẽ rút kinh nghiệm và sửa đổi, không thể ngay một lúc mà có thể hoàn thiện được”, ông Uông Chu Lưu bày tỏ.
Coi sở hữu tư nhân là động lực phát triển đất nước
Khẳng định cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đây là một luật khó và mới, không cầu toàn được hết vì thực tiễn còn đang phát triển.
"Quy định phải cởi mở, hợp tác công - tư là phải tôn trọng, phải coi sở hữu tư nhân là một trong những động lực để phát triển đất nước", Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng lưu ý.
Bà Tòng Thị Phóng cũng đồng tình với nhiều vấn đề lớn sau khi chỉnh sửa, nhất là cơ chế chia sẻ rủi ro trên nguyên tắc bình đẳng 50-50. Theo bà, đây chính là biểu hiện của tư duy cởi mở với sở hữu tư nhân.
Dự thảo Luật PPP mới nhất quy định, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu.
Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu áp dụng đối với tất cả các dự án PPP.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chia sẻ rủi ro là một vấn đề rất quan trọng và rất lớn, các ý kiến đến nay cơ bản cũng thống nhất, khi Nhà nước do yêu cầu của mình trong quá trình phát triển, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chính sách làm tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, làm giảm doanh thu, dẫn đến thua lỗ thì Nhà nước mới chia sẻ phần đó.
Bộ trưởng cũng cho biết, các điều kiện để chia sẻ đã rất chặt chẽ. Một là, dự án phải do cơ quan nhà nước lập. Hai là, dự án không có sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình xây dựng. Ba là, phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh mức giá, mức phí, thời hạn thu, nếu không đáp ứng được thì mới tính đến phương án chia sẻ nói trên.
Làm rõ cơ chế đặc thù
Không còn nhiều băn khoăn, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thực sự yên tâm về quy định tại khoản 2, Điều 3 của Dự thảo Luật: "Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của luật này”.
Dự thảo Luật PPP mới nhất quy định, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các Dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến không nhất trí quy định này và đề nghị rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định tại Dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các luật hiện hành khác, tránh mâu thuẫn, xung đột, gây khó khăn khi thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, nếu áp dụng khoản 2, Điều 3 của Luật PPP song hành với khoản 3, Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau - PV) thì có thể xảy ra tranh chấp, nhất là liên quan đến tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài về áp dụng pháp luật. Đề nghị không quy định khoản 2, Điều 3, ông Tùng cho rằng, đối với những nội dung nào cần phải có quy định đặc thù thì quy định cụ thể ở những điều khoản liên quan ngay trong luật này và có dẫn chiếu để có thể sửa đổi những điều khoản liên quan ở trong các luật có liên quan.
Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, phải chỉ rõ cái nào là đặc thù với PPP, khi có xung đột thì áp dụng ở luật nào và dẫn chiếu đầy đủ.
Kiên trì quan điểm giữ nguyên quy định tại khoản 2, Điều 3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu không có cam kết ngay thì sẽ không tạo được sự yên tâm cho các nhà đầu tư, chắc chắn sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân.
"Chúng tôi vẫn nghiêng về phương án 1, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho quy định ngay khoản 2, Điều 3 vào trong Dự thảo Luật để đảm bảo pháp lý đủ mạnh, để ổn định lâu dài, cũng như thể hiện cam kết của Nhà nước, sự yên tâm của nhà đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.