Rất ít các cơ quan, tổ chức tự phát hiện tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00

Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống tham nhũng.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.

Có rất ít các cơ quan, tổ chức tự phát hiện tham nhũng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình còn hạn chế.. Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) qua giám sát của Quốc hội.

Công tác xây dựng pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật về PCTN, pháp luật về quản lý kinh tế- xã hội để PCTN là nội dung tham luận được ông Cường trình bày tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, diễn ra ngày 12/12/2020 tại Hà Nội.

Vị Phó chủ nhiệm cơ quan chuyên thẩm tra các báo cáo công tác PCTN hằng năm của Chính phủ nhận định, trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, phúc đáp yêu cầu thực tiễn của đất nước. Trong đó, pháp luật về dân sự, kinh tế, về tài chính công, tài sản công, về đầu tư, doanh nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra trong đổi mới nền kinh tế, cải cách hành chính, góp phần PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm quản lý chặt chẽ ngân sách, vốn và tài sản của Nhà nước, loại bỏ cơ chế “xin - cho”, tập trung xử lý tình trạng “sân sau”, “đầu tư chéo”, “sở hữu chéo”....

Ông Cường cũng khẳng định, hoạt động giám sát công tác PCTN, giám sát thực hiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN đã được Quốc hội chú trọng thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm.

Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã chỉ ra được nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác này như: công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa kịp thời, đầy đủ; việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp; có rất ít các cơ quan, tổ chức tự phát hiện tham nhũng; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình còn hạn chế.

Hạn chế nữa là hoạt động thanh tra, kiểm toán ít phát hiện ra hành vi tham nhũng để chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý; việc phát hiện tham nhũng của cơ quan điều tra chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn nương nhẹ, tồn đọng, kéo dài; tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn xảy ra; thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao.

Trên cơ sở giám sát, Quốc hội đã làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; đã ra nghị quyết về các nội dung này, từ đó đã tạo ra chuyển biến bước đầu rõ nét hơn trong công tác PCTN, lãng phí - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ.

Tuy nhiên, tham luận cũng cho rằng, hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi; tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao. Quy trình ban hành văn bản pháp luật có lúc còn chưa được tuân thủ nghiêm túc. Chất lượng một số văn bản trình Quốc hội còn hạn chế.

Hoạt động giám sát công tác PCTN còn chưa thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát chưa sát sao. Việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong buông lỏng quản lý, để xảy ra những hạn chế, yếu kém trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách ít được thực hiện.

"Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân do tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, đã đặt ra cho nước ta nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, khó dự báo, dẫn đến khó khăn cho việc bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong hoạt động giám sát, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa sâu sát, kiên quyết" - Phó chủ nhiệm phát biểu.

Nêu một số bài học kinh nghiệm, ông Cường nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN; tăng cường thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

"Trong hoạt động của mình, Quốc hội cần tiếp tục quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân, các cơ quan báo chí tích cực tham gia PCTN" - vị đại biểu dân cử nêu quan điểm .

Để bảo đảm hiệu quả hoạt động lập pháp và giám sát công tác PCTN, tham luận nêu một số giải pháp, cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các kẽ hở, cơ chế “xin- cho” trong quản lý kinh tế- xã hội, tiếp tục cụ thể hóa quy định rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Vị đại biểu của dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng hoàn thiện mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, cơ chế xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc của người có chức vụ, quyền hạn.Chỉ đạo việc xử lý kiên quyết, kịp thời đối với đảng viên, cán bộ thuộc diện trung ương quản lý có hành vi tham nhũng hoặc bao che cho tham nhũng.

Tin bài liên quan