Khả năng làm việc qua các phương tiện hiện đại của người Việt Nam chưa như mong muốn.

Khả năng làm việc qua các phương tiện hiện đại của người Việt Nam chưa như mong muốn.

Rào cản từ …thói quen

(ĐTCK-online) Khi được hỏi điều gì trở ngại nhất sau quá trình tìm hiểu thị trường Việt Nam, ông Rami Ungar, tỷ phú người Israel, Chủ tịch Tập đoàn Ray chuyên kinh doanh trong các lĩnh vực phân phối ô tô, tàu thuỷ, bất động sản… đã rất thẳng thắn cho rằng, ngoài rào cản khá lớn và không dễ giải quyết ngay là ngôn ngữ, thì thói quen làm việc trực tiếp cũng khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy dường như có thêm nhiều thủ tục.

 "Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan chính quyền của Việt Nam cần xác định phong cách làm việc qua fax, qua điện thoại hay qua email là cách làm việc rất nhanh chóng và hiệu quả. Điều quan trọng là nhiều nhà đầu tư muốn làm việc theo cách này, thay vì cứ phải hẹn gặp trực tiếp rất nhiều lần mới ra được quyết định cần thiết, làm phát sinh thêm nhiều thời gian và chi phí", ông Ungar nói. Ông này cũng phàn nàn là khả năng làm việc qua các phương tiện thông tin hiện đại của người Việt Nam dường như chưa được tốt và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nhìn nhận của các nhà đầu tư khi lần đầu đến Việt Nam. Đặc biệt, với các nhà đầu tư đến từ phương Tây, cách làm việc này thực sự gây khó khăn.

"Khi bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam, thói quen làm việc trực tiếp khiến mọi việc khó khăn và chậm trễ hơn. May là cảm giác đó sau được thay thế bằng sự cởi mở của người Việt Nam. Nhưng nếu không có cảm giác này thì vẫn tốt hơn", ông Ungar nói.

Lâu nay, những kế hoạch tin học hoá các thủ tục hành chính được công bố rất rầm rộ, song kết quả thực tế rất kém hấp dẫn. Việc thực hiện đăng ký đầu tư qua mạng, cấp giấy phép kinh doanh qua mạng của nhiều bộ, ngành, địa phương chủ yếu vẫn ở giai đoạn thử nghiệm hoặc đang xây dựng. Vướng mắc được vin cho sự chậm trễ này trong khá nhiều văn bản là do thiếu đầu tư đồng bộ về máy móc, về chương trình phần mềm chuẩn. Và nhiều kế hoạch bị chậm lại do thiếu nguồn vốn đầu tư vào phần này.

Tuy nhiên, có lẽ trở ngại lớn nhất và khó giải quyết nhất chính là thói quen làm việc không chỉ của giới chức hành chính mà cả của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong một thống kê mới đây về tình hình thực hiện báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu gửi báo cáo cả bằng văn bản và qua email được các đơn vị thực hiện rất không đầy đủ. Quá nửa số báo cáo vẫn chỉ được gửi theo hình thức truyền thống thuần tuý là văn bản qua đường công văn. Như vậy, thời gian cơ quan tổng hợp có thể thu thập và có báo cáo cuối cùng bị chậm đi rất nhiều.

Đây chỉ là một trong những ví dụ về thói quen thích làm việc trực tiếp và bằng văn bản gốc. Đây cũng là lý do mà nhiều đề nghị thu ngắn lại thời gian xử lý công việc tại các cơ quan hành chính bị những công chức làm trực tiếp kêu ca. Và nhiều phần việc chỉ cần mất một vài giờ làm việc đã buộc phải kéo ra vài ngày, thậm chí là vài tuần chỉ vì đợi văn bản chính thức bằng đường công văn. Chắc chắn không chỉ một vài nhà đầu tư cảm thấy trở ngại từ phong cách làm việc hành chính này.

Cũng liên quan đến sự đánh giá cách làm việc của người Việt Nam, với kinh nghiệm làm ăn của mình tại Việt Nam từ năm 2006 đến nay, ông Ungar cho rằng, thanh niên Việt Nam có vẻ như quá nôn nóng, thiếu tính kiến nhẫn và hơi ôm đồm. Và vì vậy, kết quả công việc nhiều khi sẽ không được như mong muốn. Hơn thế, đáng nói là cách làm việc, tư duy này cũng không đem lại cho đối tác sự yên tâm cần phải có khi bắt đầu một thương vụ làm ăn.

Đây cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã từng nhắc tới. Họ rất băn khoăn về việc một doanh nghiệp năng lực còn hạn chế của Việt Nam luôn tìm cách tiếp cận được càng nhiều hợp đồng càng tốt, mà không lường trước khả năng thực thi hợp đồng của mình. Cách làm việc thiếu sự kiên nhẫn cần thiết đã tạo nên những hình ảnh không mấy hấp dẫn của doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài. Cho dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài luôn bày tỏ mong muốn trở thành đối tác với doanh nghiệp Việt Nam, song việc chuyển mong muốn này thành thực tế không hề đơn giản. Và khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị loại ra khỏi danh sách sau 1 - 2 lần đầu thực hiện hợp đồng.