Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN).

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN).

Rào cản thương mại nới lỏng: Cơ hội mở cho ngành cá tra Việt Nam

Từ cuối tháng Chín đến nay, giá cá tra nguyên liệu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu tăng cao. 

Giá cá tra đang được các thương lái mua phổ biến từ 35.000-36.000 đồng/kg ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang khiến người nuôi rất vui mừng.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết giá cá tra tăng cao là do doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc khi rào cản thương mại được nới lỏng. 

Đồng thời, thị trường cũng đang có dấu hiệu tốt tiếp nhận tích cực sản phẩm cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, toàn ngành cá tra vẫn không được chủ quan trước những cơ hội mở này. 

Người nuôi được lợi

Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến ao nuôi để mua cá tra và trả tiền mặt cho người bán. Với cá cỡ từ 1,5 kg đến 2 kg/con, tại 3 tỉnh Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp, giá cá tra từ 36.000-38.000 đồng/kg tùy vào từng doanh nghiệp đến thu mua.

Theo mức giá này, người nuôi cá thu lãi từ 6.000-9.000 đồng/kg và có thể xoay vòng vốn, trả nợ ngân hàng còn tồn đọng từ thiệt hại do cá tra xuống giá từ 2 năm trước. 

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ ngoài lý do nguồn cung thiếu, một nguyên nhân khác tạo nên cơn sốt về giá cá tra như hiện nay là do chất lượng sản phẩm cá tra ở Việt Nam được nâng cao, cá được xuất khẩu vào các thị trường "khó tính" như Mỹ, EU nên có sự cải thiện về giá bán. Dự báo, giá cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục ở mức cao từ nay đến cuối năm 2018. 

Ông Lê Chí Bình, thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang cho biết, giá cá tra tăng cao là do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang bị thiếu hụt.

Trong khi đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhập khẩu dẫn đến cung không đủ cầu. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá.

Tuy nhiên, hộ nuôi cá tra nguyên liệu phải thận trọng với biến động giá hiện nay bởi thị trường thế giới hiện nay chỉ ưa chuộng cá tra cỡ 700 gram/con. 

Dù thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ loại 1 kg/con với số lượng lớn, nhưng nếu thị trường này ngừng tiêu thụ thì sản phẩm cá tra loại lớn sẽ gặp khó trong tiêu thụ và chế biến xuất khẩu. 

Tín hiệu lạc quan

Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017.

Dự báo, thị trường nhập khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Đặc biệt là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá (POR14) giai đoạn từ ngày 1/8/2016 -31/7/2017 thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13). 

Đồng thời, trong tháng 9, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng công bố lên Công báo Mỹ đề xuất công nhận hệ thống kiểm tra cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Dù chưa phải là kết quả chính thức nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho cá tra Việt Nam. 

Với tín hiệu thị trường lạc quan, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra năm 2018 sẽ cán đích 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết hiện nay giá xuất khẩu cá tra vẫn cao. Với mức áp thuế nhập khẩu cá tra lần này của Mỹ, sản phẩm cá tra Việt Nam có thêm cơ hội thuận lợi khi vào thị trường này. 

Nhận định về xu thế tăng diện tích và sản lượng cá tra hiện nay, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, từ nay đến cuối năm, ngành chế biến xuất khẩu cá tra vẫn đủ nguyên liệu để sản xuất. Bởi lẽ, ngoài nguồn nguyên liệu trong nước, hiện cũng có nhiều quốc gia khác đang tham gia sản xuất cá tra cung ứng cho nhà chế biến.

Giá cá tra có thể ổn định ở mức hiện nay cho đến cuối năm 2018 nhưng đến năm 2019 với tình hình thả nuôi và mở rộng diện tích như hiện nay, cộng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về cá tra nguyên liệu từ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... nên việc giảm giá như những năm trước là điều khó tránh khỏi.

Ngoài việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, ông Trương Đình Hòe cho rằng điều cần làm lúc này là hạn chế tình trạng nuôi tràn lan không nằm trong vùng quy hoạch, đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm cá tra.

Tin bài liên quan