Yếu tố cơ bản: Giới đầu tư lo lắng về dịch bệnh nhưng TTCK vẫn ở pha tăng
Diễn biến đáng chú ý nhất trong tuần qua là sự bứt phá của giá vàng và các chỉ số chứng khoán Trung Quốc (nổi bật là Shanghai Composite). Chỉ số USD lại có mối tương quan nghịch so với chứng khoán lúc này, do các chính sách nới lỏng làm suy yếu đồng USD nhưng lại hỗ trợ thị trường cổ phiếu.
Ðồng USD giảm cũng giúp thị trường hàng hóa nói chung và đặc biệt là giá vàng diễn biến rất tích cực. Xu hướng chung của các chỉ số chứng khoán lớn vẫn là tăng, VN-Index dù có dấu hiệu hụt hơi nhưng cũng đang bắt đầu đi theo đà của thị trường chứng khoán quốc tế.
Bức tranh của các loại tài sản vẫn mang hơi hướng tích cực.
Tại thị trường chứng khoán trong nước tuần qua, khối ngoại vẫn tiếp tục đà bán ròng. Mức độ bán của khối ngoại thời gian gần đây là không nhiều nhưng bán rất đều qua từng phiên, kể cả các phiên tăng hay giảm.
Sự không đồng thuận của khối ngoại cũng là một trong những lý do khiến quá trình đi lên của thị trường trở nên khá nhọc nhằn. Cụ thể, tính từ đầu tháng 7 tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên VN30 và trong tháng 6 là gần 1.500 tỷ đồng.
VN30 đi lên rất từ tốn trong tuần qua dù thanh khoản không đột biến nhờ sự khả quan của thị trường chứng khoán quốc tế trong tuần qua.
VN30 đi lên rất từ tốn và vững chắc trong tuần qua
Tâm lý dòng tiền có sự cải thiện, nhưng chủ yếu là ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn phần lớn vẫn chứng kiến sự thờ ơ của dòng tiền đầu cơ.
VN30 và VN30F có hỗ trợ lần lượt tại 800 và 790 điểm.
Yếu tố kỹ thuật: Tăng trong nghi ngờ
Dù thị trường có những phiên hồi phục ấn tượng nhưng dòng tiền ở các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa có sự cải thiện. Bên phía cung vẫn là bên chủ động hơn, còn bên mua thì rất từ tốn mua tích lũy, chứ không vội vã. Do đó, thị trường chung có thể sẽ tiếp tục trạng thái đi lên nhưng rất khó có hiện tượng bùng nổ như sóng tăng trước đó.
Phía cung chủ động hơn, bên mua thì rất từ tốn.
Không có nhiều sự khác biệt về xu hướng của đà lan tỏa so với xu hướng của chỉ số chung, việc dòng tiền yếu nên hệ quả là tốc độ tăng của đà lan tỏa cũng rất chậm là điều dễ hiểu. Ðiểm đáng lưu ý nhất trên đà lan tỏa vào lúc này là tín hiệu xác nhận nhịp điều chỉnh đã kết thúc, các chỉ số chung hoàn toàn có thể có các nhịp rung lắc nhưng khó có thể quay trở lại xu hướng giảm.
Đà lan tỏa tạo đáy.
Nhịp tăng của thị trường thời gian qua có sự đóng góp rất đáng kể từ nhóm thực phẩm đồ uống (SAB), khi đây là nhân tố chính kéo chỉ số đi lên. Nhóm bất động sản thì đóng vai trò trung lập, giữ nhịp cho thị trường chung. Trong khi đó, nhóm ngân hàng nhìn chung là khá yếu và cũng đang có những sự phân hóa nhất định. Trạng thái của nhóm ngân hàng cũng chính là đại diện cho thị trường chung vào lúc này.
Các ngành trụ duy trì ổn định chứ không bùng nổ.
Khuyến nghị: Ưu tiên mua nhưng không quá hưng phấn theo đà tăng
Mức độ rủi ro ở thời điểm này là có nhưng tương đối thấp, nhịp điều chỉnh của thị trường chung về cơ bản đã kết thúc và thị trường cũng đang trong quá trình hồi phục trở lại, tuy nhiên rào cản về mặt dòng tiền đang khiến tốc độ hồi phục diễn ra tương đối chậm, sự khác nhau giữa sóng tăng hiện tại và sóng tăng cách đây 2 tháng là ở yếu tố dòng tiền.
Chúng tôi vẫn đánh giá cao khả năng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng hiện tại nhưng các nhịp tăng có thể sẽ diễn ra tương đối chậm và đôi khi xuất hiện những rung lắc với cường độ lớn (~ 1-1,5%/phiên) để loại bỏ những dòng tiền yếu ớt trong quá trình đi lên.
Vùng hỗ trợ đáng tin cậy là 785 - 795 điểm trên chỉ số VN30F1M.
Nhìn chung, chiến lược Mua (Long) sẽ được ưu tiên trong các pha điều chỉnh và tích lũy với vùng hỗ trợ đáng tin cậy nhất vào lúc này khu vực 785 - 795 điểm trên chỉ số VN30F1M. Trong khi đó, chiến lược Bán (Short) chỉ có thể ứng dụng được cho vị thế giao dịch trong ngày để tận dụng những phiên chùn lại sau các phiên tăng trước đó.