Rạng Đông Holdings (RDP): “Quá tam ba bận” gọi vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với việc lỗ luỹ kế, giá cổ phiếu nằm dưới mệnh giá, Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (mã RDP) tìm cách gọi vốn qua phát hành riêng lẻ để trả nợ vay sắp đáo hạn.

Đổi phương án gọi vốn

Ngày 31/8 tới, Rạng Đông Holdings sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch huy động vốn mới. Theo đó, Công ty dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 30 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, để huy động 300 tỷ đồng.

Mục tiêu của đợt phát hành là trả nợ vay Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (160 tỷ đồng) và trả nợ vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (140 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính quý II/2023 của Rạng Đông Holdings cho thấy, tại thời điểm 30/6/2023, Công ty sở hữu 69,3 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính; tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 1.273,5 tỷ đồng, bằng 190,6% vốn chủ sở hữu, gồm 986,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 286,6 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Theo tờ trình về phương án phát hành, số cổ phiếu này được phân phối cho 5 cá nhân; trong đó, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị dự kiến mua 17 triệu cổ phiếu; nhà đầu tư Lê Tường Vi và Nguyễn Thị Nhường cùng mua vào 3,85 triệu cổ phiếu; nhà đầu tư Cao Quang Thắng mua 3,8 triệu cổ phiếu; 1,5 triệu cổ phiếu còn lại dự kiến bán cho nhà đầu tư Phạm Hồng Toan.

Nhiều năm qua, Công ty liên tục lên kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn nhưng sau đó lại không triển khai vì nhiều lý do khác nhau.

Cụ thể, năm 2020, Công ty thông qua việc phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, đồng thời phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Rạng Đông Holding cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kế hoạch trên không triển khai được.

Đồng thời, Công ty đã trình phương án phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu và phát hành tối đa 700 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Tuy nhiên, kế hoạch này tiếp tục không được triển khai với cùng lý do.

Tới đại hội cổ đông thường niên 2022, Rạng Đông Holdings lại thông qua kế hoạch phát hành 19,63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, triển khai từ quý II/2022 đến quý II/2023 và phát hành tối đa 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Tuy nhiên, tại đại hội năm nay, Công ty cho biết, kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu không triển khai được do đang lỗ luỹ kế; đồng thời, Công ty cũng không triển khai phát hành trái phiếu chuyển đổi như kế hoạch.

Ngày càng lùi xa so với đối thủ

Rạng Đông Holding tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến năm 2005, Công ty được cổ phần hoá và hiện tại, cơ cấu cổ đông chủ yếu là cá nhân.

Tính tới 10/8/2023, doanh nghiệp có một cổ đông cá nhân lớn là ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị (nắm 49,1% cổ phần), còn lại là các cổ đông nhỏ.

Kể từ năm 2016 tới nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có nhiều điểm sáng. Vì vậy, khoảng cách với các đối thủ cùng ngành như Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ngày càng xa, từ quy mô tài sản cho tới hiệu quả kinh doanh. Tại thời điểm 30/6/2023, Nhựa Bình Minh (mã BMP) đang có lợi nhuận luỹ kế 733,73 tỷ đồng; Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) đang ghi nhận lợi nhuận luỹ kế 527,01 tỷ đồng. Còn Rạng Đông Holding đang ghi nhận lỗ luỹ kế 61,48 tỷ đồng.

Tin bài liên quan