“Rắn tay” hơn  trong thanh tra thuế

“Rắn tay” hơn trong thanh tra thuế

(ĐTCK) Muốn giảm thiểu rủi ro bị truy thu, phạt chậm nộp thuế, các doanh nghiệp (DN) cần nâng cao tính tuân thủ, đồng thời lưu ý xu hướng thanh tra, kiểm tra thuế đang có nhiều thay đổi.

“Rắn tay” hơn  trong thanh tra thuế ảnh 1Các xu hướng thanh tra thuế vẫn đang thay đổi, nên DN cần thường xuyên cập nhật

 

Xu hướng thanh tra mới

Hoạt động thanh tra thuế của cơ quan thuế đang thay đổi ra sao, đâu là những điểm DN cần lưu ý khi bị thanh tra, kiểm tra thuế… là những vấn đề được nhiều DN quan tâm tại Hội thảo cập nhật các quy định mới và những lưu ý trong thanh tra thuế và hải quan năm 2013, do Deloitte Việt Nam tổ chức ngày 29/11.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, có khá nhiều điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế. Theo đó, số lượng DN bị thanh tra, kiểm tra thuế tăng cao. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra tới 43.654 DN, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó truy thu 8.916 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2012...

Đặc biệt, phương thức và nội dung thanh, kiểm tra thuế có nhiều thay đổi so với trước đây. Theo đó, năm nay, có sự tham gia nhiều hơn của các cơ quan cấp cao. Cụ thể, Bộ Tài chính phê duyệt các chương trình thanh tra chuyên ngành nhiều hơn, chẳng hạn như thanh tra các DN lớn, thanh tra chuyển giá… Số lượng các đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng cục Thuế thành lập với sự tham gia của cục thuế địa phương có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

“Việc thanh, kiểm tra của cơ quan thuế đang tập trung vào các DN có dấu hiệu chuyển giá; DN có số hoàn thuế lớn, phát sinh liên tục; DN hưởng ưu đãi thuế trong giai đoạn 2008-2012; giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; chưa kiểm tra thuế trong thời gian dài…”, bà Vũ Thu Ngà, Trưởng phòng Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam nói, đồng thời cho biết thêm, các hoạt động thanh, kiểm tra đang tập trung nhiều vào DN thuộc các lĩnh vực: ngân hàng, bất động sản, du lịch, dịch vụ…

 

Giảm rủi ro, cách nào?

Từ xu hướng mới trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, điều mà nhiều DN quan tâm là cần phải làm gì để giảm thiểu rủi ro bị xử phạt thuế: truy thu, phạt chậm nộp…

Qua kinh nghiệm trực tiếp làm việc với cơ quan thuế các cấp, ông Tuấn chia sẻ, điều quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro là các DN phải luôn nâng cao ý thức tuân thủ, tuyệt đối tránh các hành vi có biểu hiện gian lận thuế. Thực tế cho thấy, cùng với quá trình cải cách thuế đang diễn ra theo hướng hệ thống chính sách, quy định thông thoáng hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho DN, thì hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, siết chặt hơn. Do vậy, việc DN thường xuyên cập nhật các quy định mới, đồng thời nâng cao tính tuân thủ là biện pháp hữu hiệu, để giảm thiểu rủi ro bị xử phạt thuế, tiết kiệm chi phí kinh doanh…

Giải đáp những câu hỏi mang tính cụ thể hơn của DN về hướng hoàn thiện hồ sơ, chứng từ, để đảm bảo tuân thủ đúng quy định, giảm thiểu rủi ro bị xử phạt thuế, bà Ngà khuyến nghị, đối với thuế thu nhập DN, cơ quan thuế thường tập trung làm rõ trong quá trình thanh, kiểm tra là chênh lệch giữa doanh thu kế toán với tờ khai thuế GTGT; chi phí trích trước không chi, quá hạn chưa chi; chi phí quảng cáo vượt mức khống chế; lỗ/lãi tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ… Đây là những vấn đề DN cần lưu ý, để giảm thiểu rủi ro trong quá trình tuân thủ nghĩa vụ thuế.

Đối với thuế nhà thầu nước ngoài, các chuyên gia của Deloitte Việt Nam lưu ý DN những điểm mà cơ quan thuế thường tập trung làm rõ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, là kiểm tra hợp đồng có quy định rõ nghĩa vụ thuế do bên nào chịu; cách thức thanh toán, tính thuế của DN có phù hợp với quy định tại hợp đồng không; kiểm tra việc mua hàng theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ; các trường hợp dịch vụ tiêu dùng trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam…

Liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế thường kiểm tra các khoản khoán chi và quy chế của văn phòng đại diện; chuyên gia của nhà thầu sang thực hiện dịch vụ tại Việt Nam; khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trong các chương trình khuyến mại, tặng thưởng…

 

Theo cập nhật của Deloitte Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2013, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra chuyển giá đối với 1.220 DN, qua đó, giảm số lỗ trên báo cáo tài chính của các DN 1.690 tỷ đồng, truy thu và phạt chậm nộp với số thuế lên đến 481 tỷ đồng.

 

>> Cả trăm DN mắc thuế, Bộ Tài chính nói gì?

>> Doanh nghiệp "chóng mặt" vì chính sách thuế  

>> Làm sai, cơ quan thuế phải bồi thường